Báo xuân

Về nơi "Một tiếng gà gáy ba nước đều nghe"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Buổi sáng đầu năm, trời cao nguyên se lạnh, nắng không vồn vã như mọi khi mà nhạt nhòa đôi chút, tôi cùng Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Phong lên đường đến Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (tỉnh Kon Tum).

Đường Hồ Chí Minh thoáng đãng, mùa này không nhiều phương tiện qua lại, tạo có cảm giác thoải mái, an toàn.

Đến Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y đã qua 11 giờ, chúng tôi ghé vào Trạm Hải quan và dùng cơm trưa ở một quán ven đường cùng với người bạn là Bùi Tá Lượng-Phó Trưởng trạm Cửa khẩu. Lượng tranh thủ buổi trưa lái xe riêng đưa chúng tôi vòng qua Cửa khẩu phía Việt Nam theo con đường vành đai biên giới ngoằn ngoèo về phía cột mốc ngã ba Đông Dương. Đồi núi chập chùng nối tiếp nhau vươn xa đến tận chân trời. Càng lên cao càng phóng tầm mắt đến ngút ngàn, người đi đường rất dễ mất phương hướng. Thi thoảng ven đường, vài cây rừng đứng chơ vơ thi gan cùng đất trời biên viễn. Cỏ đuôi chồn mùa này vươn cao, lấn lướt cả đường đi chật hẹp.

 

Chiến sĩ biên phòng 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia tại cột mốc 3 biên giới.                                                                                                                Ảnh: Trần Phong
Chiến sĩ biên phòng 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia tại cột mốc 3 biên giới. Ảnh: Trần Phong

Vượt cung đường tuần tra khoảng 10 km, chúng tôi đến chân một quả đồi có biển “Cột mốc biên giới Việt Nam-Campuchia-Lào”. Leo lên khoảng 50 bậc cấp bê tông là nhìn thấy cột mốc lừng lững được xây dựng trang trọng. Cột mốc cao khoảng 2 mét bằng đá hoa cương hình khối tam diện nằm giữa một vòng tròn ốp đá đen có đường kính khoảng 7 mét trong khoảnh sân rộng giữa đồi cao 1.086 mét. Trên khối cột mốc tam diện có in hình Quốc huy mỗi nước theo 3 hướng: Đông Bắc (Việt Nam), Tây Bắc (Lào) và Tây Nam (Campuchia). Dưới chân cột mốc hình thành con đường nhỏ làm biểu trưng và lãnh đạo các địa phương tỉnh giáp biên: Kon Tum, Attapeu, Ratanakiri đều trồng cây lưu niệm. Đây là ngã ba Đông Dương, nơi “con gà gáy 3 nước đều nghe”.

Được biết, trên cả chiều dài biên giới đất liền Tổ quốc ta có 2 địa điểm độc đáo này, đã thu hút mỗi năm cả ngàn lượt khách tham quan, du lịch; ngoài ngã ba biên giới ở Bắc Tây Nguyên, còn một ngã ba Việt Nam-Lào-Trung Quốc ở vùng Tây Bắc thuộc A Pa Chải-Sín Thầu-Mường Nhé (tỉnh Điện Biên). Nhưng có lẽ vùng ngã ba biên giới thuộc Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y là nơi gần đường Hồ Chí Minh nên việc đi lại thuận lợi hơn; nó cách Sân bay Pleiku khoảng 150 km và cách TP. Kon Tum khoảng 100 km, rất thích hợp cho cho các tour du lịch xuyên biên giới Việt-Lào, nhất là các “phượt thủ” thích mạo hiểm với các vùng núi còn xa lạ.

Tôi đã từng có mặt ở ngã ba biên giới Bờ Y từ sau ngày giải phóng (1975) và chứng kiến sự hoang tàn, đổ nát sau chiến tranh với những hố bom loang lổ, đồi núi trơ trọi, cây cối cháy đen, mặt đất thấm đẫm chất độc dioxin… Từ Đak Tô-Tân Cảnh đến Bờ Y với một cung đường không xa nhưng với những địa danh đã từng đi vào lịch sử chiến tranh giữ nước với những khúc ca bi tráng khiến chúng ta không khỏi giật mình, xót xa. Những cuộc đọ sức giữa ta và địch từ năm 1967 đến 1972 ở vùng giáp ranh này quả là khốc liệt để lại nhiều ấn tượng kinh hoàng cho cả hai bên khi nhắc đến cái tên Đak Tô-Tân Cảnh với đồi 42 và Sân bay Phượng Hoàng; ở ngã ba Đông Dương, chúng ta thường nghe đến địa danh: đồi Charlie (Sac-ly), sân bay dã chiến Bến Héc (hay Plei Kan), đường Hồ Chí Minh…

Từ khi Mỹ đổ quân vào miền Nam, thì các tiền đồn nơi vùng biên giới Việt-Lào được địch ra sức củng cố, tăng cường sức mạnh quân sự nhằm khống chế toàn bộ Bắc Tây Nguyên, cản bước sự chi viện của ta từ miền Bắc vào Nam trên tuyến hành lang huyết mạch Hồ Chí Minh. Cứ điểm Charlie, cao 900 mét nằm giữa tam giác Sa Thầy-Đak Tô- Ngọc Hồi, địch có thể khống chế cả vùng rộng lớn, giáp biên giới Lào- Campuchia. Trong chiến dịch mùa hè đỏ lửa 1972, ta đã loại khỏi cứ điểm này ra khỏi trận đồ bát quái của địch để mở đường cho trận quyết chiến ở cứ điểm quan trọng Đak Tô-Tân Cảnh (4-1972) với những cỗ xe tăng đầu tiên của ta tham chiến trực tiếp trên chiến trường miền Nam. Sau cuộc đọ sức này, chúng ta đã giải phóng hoàn toàn vùng phía Bắc Kon Tum, mở ra một hành lang an toàn trên tuyến đường Hồ Chí Minh ở Bắc Tây Nguyên.

Sau bao năm trở lại chiến trường xưa, tôi không còn hình dung ra những con đường mình đã đi và đến. Thị trấn Ngọc Hồi mới ngày nào còn ngập trong bụi đỏ với con đường lở lói phủ đầy le-nứa, nay đã trỗi dậy mang dáng vẻ của một đô thị sầm uất án ngữ nơi vùng ngã ba Đông Dương. Từ Plei Kan vào đến Đak Xú, Bờ Y trên con đường kiên cố, rộng mở với những thị tứ mọc lên san sát, tôi không còn nhận ra các buôn làng Ca Dong, Brâu ngày xưa còn nhà sàn mái tranh, vách nứa với những con người cà răng, căng tai lạ lẫm trong mắt bao du khách.

Nhớ trong thời bao cấp, có lần tôi cùng nhà báo Lê Điền (Báo Nhân Dân) đến làng Đak Mế-Bờ Y để tìm hiểu về tộc người ít ỏi còn lại ở Tây Nguyên. Bấy giờ, làng Đak Mế còn khá nguyên vẹn với ngôi nhà rông giữa làng, xung quanh có khoảng 25 ngôi nhà sàn bằng tranh tre, nứa lá, dân số vào khoảng 230 người. Họ đi làm rẫy cách xa ngôi làng mình ở tới 5-7 km.Văn hóa nổi bật của người Brâu là cồng chiêng với bộ chiêng tha độc đáo, khác với cồng chiêng của các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên. Phụ nữ Brâu chơi nhạc cụ phổ biến là đàn Klông Pút. Giờ đây, làng Brâu chỉ còn lại một cụm nhà làng (có một nhà rông chính giữa) ở ngay cổng vào làng có lẽ làm biểu trưng để nhớ về một ngôi làng Đak Mế xưa đã đi vào quá khứ và chỉ còn lại trong sách vở.

Trong một dịp khác, tôi đi cùng nữ nhà báo Kim Dung trong chuyến tháp tùng cùng đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục đến khảo sát ở một trường vùng sâu Sa Loong (bấy giờ còn thuộc huyện Đak Tô, nay thuộc huyện Sa Thầy). Trên đường về ngang qua phà Đak Mốt (cách Ngọc Hồi khoảng 7 km) bắc ngang qua sông Krông Pô Ko thì dừng lại để ngắm nhìn dòng sông đã đi vào lịch sử trong thời chiến tranh chống Mỹ. Nhìn thấy hàng chục người cả nam lẫn nữ ướt đẫm đang lặn ngụp giữa dòng sông để đãi cát tìm vàng, nhà báo Kim Dung rất cám cảnh đứng nhìn các động tác thủ công đãi lớp cát-sỏi của người dân nghèo để tìm đôi hạt vàng cám li ti. Quả là công việc nặng nhọc và đầy may rủi. Thành ngữ “đãi cát tìm vàng” sau này được vận dụng vào trong bài viết của Kim Dung khá hay và sắc sảo.

Ngày nay, họ đã thực sự tìm được “vàng” trên chính mảnh đất đầy khắc khổ ấy. Nhờ sự cần cù, miệt mài trên mảnh đất đầy bom đạn năm xưa mà đồng bào các dân tộc ở vùng biên giới xa xôi này đã làm nên những điều kỳ diệu với bao đổi thay đến không ngờ. Hiện nay các dự án nâng cấp Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y đã và đang được Chính phủ và tỉnh Kon Tum xúc tiến với niềm hy vọng biến nơi ngã ba Đông Dương thành điểm nhấn cho vùng Tam giác phát triển trong tương lai.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm