Vé số và xe lăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vé số và xe lăn, 2 thứ ấy tưởng như không liên quan đến nhau. Thế nhưng, có rất nhiều người khuyết tật vận động lấy đó làm “hành trang” để khẳng định tính tự lập vươn lên sống tốt.

Trên khắp nẻo phố phường TP. Pleiku, từ sáng sớm đến tối mịt, hòa vào dòng người xuôi ngược, họ cũng “lăn bánh” dặm đường mưu sinh. Gặp chị Năm trên đường Hai Bà Trưng, chúng tôi không khỏi ái ngại trước hình ảnh người phụ nữ luống tuổi một chân tháo bỏ đến khớp háng, chiếc mũ vải rộng vành, áo chống nắng, khẩu trang che kín mặt ngồi bên vệ đường, phía sau là chiếc xe máy tay ga 3 bánh. Chị thường ngồi dọc con đường này, từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối mới về. “Chừng ấy thời gian chị chỉ ngồi ư?”-tôi thắc mắc. Chị Năm cười hiền cho biết: “Thì cũng dịch chuyển từ chỗ ngồi đến chỗ dựng xe bằng chiếc nạng. Vậy còn đỡ hơn phải đi rong tại quán xá đông người trên chiếc xe lăn, tối về mình mẩy đau nhức khủng khiếp!”.

 

Anh Trung trên bước đường mưu sinh. Ảnh: Đ.P

Có dịp đến các quán cà phê, nhà hàng, quán nhậu… ta dễ gặp những người khuyết tật vận động với độ tuổi khác nhau, mức độ bệnh khác nhau trên tay tập vé số, túi xách trước ngực choàng qua cổ cất tiếng chào mời. Anh Thành chia sẻ: “Từ ngày có xe máy 3 bánh thay thế cho xe lăn, mình chịu khó di chuyển hơn. Trừ chi phí xăng xe, mỗi ngày mình kiếm được 100 ngàn đồng phụ với vợ nuôi 2 con nhỏ ăn học”.

Nán chút thời gian, anh tâm sự: “Vợ chồng tôi đã có được ngôi nhà riêng nho nhỏ nằm sâu trong con hẻm đường Sư Vạn Hạnh (TP. Pleiku). Xe máy 3 bánh mua trả góp, tỷ lệ lãi suất rất thấp, vì độ chế nên giá cao hơn xe máy cùng loại 4 triệu đồng/chiếc. Dù rất khó khăn nhưng cũng dành dụm mua vì từ nhà ra đến đường chính phải vượt dốc hẹp, gập ghềnh bằng xe lăn nhọc lắm, lại còn đưa đón con đến trường nữa”.

Anh Trung khuyết cả đôi chân đến gần khớp gối (phải cắt bỏ) vì bệnh tắc nghẽn động mạch. Ngồi trên xe lăn, anh kể cho tôi nghe những nhọc nhằn trên bước mưu sinh bằng giọng hóm hỉnh nhẹ như không: “Ngày cũng kiếm được 5-7 chục ngàn đồng, đủ độ nhật cơm đường cháo chợ. Trợ cấp xã hội 405.000 đồng/tháng xem như là khoản tiền dự phòng khi trái gió trở trời. Thuốc thang đã có bảo hiểm y tế cấp miễn phí, bệnh nặng hay yếu quá thì “về”, đời người ai chẳng thế!”. Rồi anh đưa tay vẫy chào, cười tươi lắc xe chầm chậm rong ruổi.

Gắn với nghiệp xe lăn và vé số còn có cả những người ở tỉnh khác rủ nhau đến Pleiku hành nghề. Anh An (quê ở tỉnh Hà Tĩnh) nhớ lại: “Ban đầu nghe bạn đề xuất ý kiến, mình cũng ngại không biết vào trong ni có hơn gì không nên rất băn khoăn! Mãi đến đầu năm 2012 mới “liều” rủ nhau đi. Qua thời gian ngắn là thuộc đường, chịu khó mời chào nên thu nhập cũng ổn, đến tháng còn có tiền gửi về gia đình”.

Hỏi thăm về đời sống tinh thần, anh An cho biết: “Cứ sau 6 giờ chiều là chúng tôi về đến nhà trọ, phân công việc cho bữa tối quây quần bên nhau. Thi thoảng cũng làm bữa tươi đánh chén rồi nghêu ngao hát. Thời gian khác xem ti vi, chơi cờ tướng, tâm sự chuyện gia đình… Nhưng không phải lúc nào trong ngôi nhà trọ chúng tôi cũng toàn có tiếng cười. Đó là khi một người bị ốm nặng thì cắt cử người ở nhà chăm sóc như anh em ruột thịt”.

Đình Phê

Có thể bạn quan tâm