Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Vẽ Tây Nguyên bằng hồi ức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tranh của Lê Vinh luôn đem lại cảm giác mới lạ bởi màu sắc rực rỡ, dù anh đang tái hiện lại mảnh đất mình được sinh ra và gắn bó bằng những... hồi ức xưa cũ.
 Lê Vinh bên tác phẩm “Vũ khúc Tây Nguyên”. Ảnh: P.L
Lê Vinh bên tác phẩm “Vũ khúc Tây Nguyên”. Ảnh: P.L
Lê Vinh-con trai út của họa sĩ Lê Hùng-hiện đang làm việc tại xưởng vẽ Mỹ thuật (78 Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku). Cũng như chị gái Thảo My và Thảo Vy, từ nhỏ, Lê Vinh đã được tiếp xúc với cây cọ vẽ cùng những sắc màu rực rỡ, tươi tắn. Tình yêu và niềm đam mê hội họa trong Lê Vinh cứ thế lớn lên từng ngày. “Khi mình đủ tuổi cầm cọ, ba cho mình tham gia lớp học cùng với các anh chị học trò lúc bấy giờ để trau dồi những kiến thức cơ bản về hội họa. Đến giờ, ba vẫn là người thường xuyên theo dõi và góp ý, cho lời khuyên đối với từng tác phẩm mà mình sáng tác, giúp mình trưởng thành trong bút pháp thể hiện cũng như nhận thức thẩm mỹ. Chính điều ấy giúp mình định hình phong cách riêng trong tác phẩm”-Lê Vinh chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp THPT, Lê Vinh vào học Khoa Thiết kế đồ họa Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh. Hiện tại, ở tuổi 26, dù khá bận rộn với công việc thiết kế mỹ thuật, thi công quảng cáo, trang trí nội thất nhưng hễ có thời gian thì anh lại vẽ. Tây Nguyên là đề tài chủ đạo trong tranh của Lê Vinh. Tuy nhiên, không đi theo hướng tả thực, phong cách Lê Vinh gây ấn tượng cho người xem bằng những khối màu rực rỡ, những biến tấu ngộ nghĩnh, hình tượng và đường nét cách điệu lạ mắt, không tuân theo một quy luật nào, kể cả quy luật sáng-tối. Tây Nguyên trong tranh của Lê Vinh thấm đẫm khát vọng sống của những người con được sinh ra từ buôn làng, tình cảm mẹ con; là không gian lễ hội hay những nét văn hóa độc đáo mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa dân tộc. “Từ nhỏ, mình vẫn thường được theo ba về làng để tìm hiểu, sáng tác. Buôn làng ngày ấy còn hoang sơ, mộc mạc, bình dị lắm. Khung cảnh ấy bây giờ không dễ tìm thấy do bị cuộc sống hiện đại xâm nhập. Đó cũng là điều khiến mình không sao thoát ra được những hình ảnh Tây Nguyên xưa cũ”-Lê Vinh bộc bạch. Với anh, chất liệu sơn dầu và acrylic luôn đem lại những điều bất ngờ thú vị trong quá trình sáng tác. Sự pha trộn màu sắc của chất liệu đôi khi đem lại những hòa sắc tình cờ, độc đáo ngoài sức tưởng tượng của người vẽ. Vì vậy, Lê Vinh luôn cố gắng sáng tạo, phá cách nhiều hơn nữa để tranh thật nhiều mới lạ.
 Tác phẩm
Tác phẩm "Đất lành" của Lê Vinh.
Tại các cuộc triển lãm trong tỉnh và khu vực, Lê Vinh đều có tranh tham gia và được đánh giá khá cao. Bức “Vũ khúc Tây Nguyên” tham gia triển lãm mỹ thuật khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2018 là một trong những tác phẩm anh rất tâm đắc. Trong khổ tranh 1 m x 1 m, anh đem đến một Tây Nguyên sôi nổi, náo nhiệt không khí lễ hội: Lễ đâm trâu, mừng nhà rông, vòng xoang nhịp nhàng, sâu lắng, huyền ảo cùng pơthi, tượng nhà mồ. Sự phối hợp màu sắc một cách ngẫu hứng đã khiến cho bức tranh thêm phần sinh động, thu hút. Ngoài ra, các bức “Hồn gỗ” (tham gia triển lãm mỹ thuật khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2017), “Đất lành”, “Vũ khúc rừng”… cũng là những tác phẩm giúp Lê Vinh tạo được dấu ấn riêng cho bản thân.
“Mình đang ấp ủ dự định mở một phòng tranh, trong đó không chỉ để trưng bày riêng tác phẩm của mình mà còn của anh em họa sĩ trên địa bàn tỉnh. Phòng tranh ấy còn là điểm tham quan của du khách, giúp họ hiểu thêm về mảnh đất Tây Nguyên huyền bí, rực rỡ sắc màu”-Lê Vinh tâm sự.
Nói đến Lê Vinh, nữ họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu nhận xét: “Lê Vinh là một họa sĩ trẻ sống hết mình với nghề, chịu khó sáng tác và tham gia nhiệt tình các triển lãm, trưng bày. Lê Vinh cũng có “gu” sáng tác riêng không bị ảnh hưởng, đi theo lối mòn của người cha là họa sĩ Lê Hùng. Cùng là đề tài Tây Nguyên nhưng Lê Vinh sáng tác theo phong cách đương đại, mới lạ. Đây là một họa sĩ trẻ có nhiều triển vọng”.
Phương Linh

Có thể bạn quan tâm