Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Về Tiên Điền gặp tác giả bài thơ "Bên mộ cụ Nguyễn Du"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 10-9 vừa rồi (tức mùng 10 tháng 8 Âm lịch), tôi về Tiên Điền dự ngày giỗ thứ 196 của đại thi hào Nguyễn Du. Tại đây, thật may mắn, tôi đã gặp nhà thơ Vương Trọng-tác giả bài thơ nổi tiếng “Bên mộ cụ Nguyễn Du”.

Nhà thơ Vương Trọng (ngoài cùng bên phải) viếng mộ đại thi hào Nguyễn Du. Ảnh: N.N.P

Hôm đó, tôi đang đứng ở nhà khách khu lưu niệm Nguyễn Du với các học giả trong hội Kiều học Việt Nam như Giáo sư Phong Lê, Giáo sư Nguyễn Đình Chú, Giáo sư Nguyễn Khắc Phi… thì bất ngờ thấy một dáng người quen trông rất nhanh nhẹn bước đến. Hóa ra đó là nhà thơ Vương Trọng-người viết bài thơ “Bên mộ cụ Nguyễn Du” cách đây 34 năm. Lúc này, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đăng Việt-người đã chụp bộ ảnh hiếm có về mộ đại thi hào Nguyễn Du cách đây mấy chục năm, khi chưa xây lại khang trang như bây giờ-kéo tôi lại gần nhà thơ Vương Trọng rủ cả hai người chụp ảnh kỷ niệm. Thật là cơ hội hiếm có để tôi tìm hiểu thêm về sự ra đời của bài thơ “Bên mộ cụ Nguyễn Du”.


Anh Nguyễn Đăng Việt tặng tôi một tấm ảnh chụp mộ cụ Nguyễn khi chưa xây lại. Nhà thơ Vương Trọng nhìn tấm ảnh và hồi tưởng. Tháng 3-1982, nhà thơ (lúc đó là biên tập viên mảng thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội) được Quân khu 4 mời vào dự hội diễn văn nghệ quần chúng toàn quân khu tổ chức ở TP. Vinh. Vương Trọng rất mê Truyện Kiều. Ông bảo, ông mang họ của Thúy Kiều, tên của chàng Kim. Vốn là dân Nghệ An nhưng ông chưa một lần tới Tiên Điền nên khi được ban tổ chức cho đi tham quan quê hương Nguyễn Du, ông thích lắm. Trên đường đi, ông cứ hình dung ra một vùng di tích bề thế và khang trang vì trước đó ông nghe đài đưa tin ngành văn hóa xây dựng khu bảo tàng Nguyễn Du năm 1965 nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh đại thi hào. Nhưng thật bất ngờ, tới nhà lưu niệm đại thi hào thì “Trước sau nào thấy bóng người”. Đợi mãi mới thấy một chị đang cuốc cỏ khoai, chân đất chạy qua vườn tìm chìa khóa mở cửa rồi giới thiệu sơ lược về ngôi nhà này sau đó dẫn đoàn ra thăm mộ Nguyễn Du. Đứng trước ngôi  mộ “sè sè nắm đất” giữa bãi tha ma của làng, cầm nắm hương trên tay không biết cắm vào đâu, tự nhiên ông rơm rớm nước mắt.

Được biết, Nguyễn Du mất ở Phú Xuân (Huế) năm 1820 thọ 55 tuổi. Khi cụ mất, có một câu đối thật hay. Người thì bảo của quan trong triều nhưng theo nhà thơ Thanh Tịnh, hồi đó là Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tác giả của câu đối đó chính là vua Minh Mạng. Câu đối như sau: “Nhất đại tài hoa, vi sứ vi khanh sinh bất thiểm-Bách niên sự nghiệp, tại gia tại quốc tử do vinh” (Một đời tài hoa đi sứ làm quan sống chẳng thẹn-Trăm năm sự nghiệp trong nhà ngoài nước thác cũng vinh). Mộ cụ ban đầu táng ở cánh đồng Bàu Đá, xã An Hòa, tỉnh Thừa Thiên-Huế. 4 năm sau (năm 1824), con trai của cụ là Nguyễn Ngũ mới đưa hài cốt của cha về táng trong vườn nhà. Đến năm 1928, mộ cụ được cải táng ra chỗ hiện nay, cách nhà chừng vài cây số.

Trở ra Hà Nội sau chuyến thăm Tiên Điền, nhà thơ Vương Trọng treo tấm ảnh của đoàn chụp trước mộ Nguyễn Du lên bức tường đối diện nơi ông ngồi làm việc. Đêm 7-3-1982, ông lặng lẽ nhìn tấm ảnh và nghĩ về kiếp tài hoa của Đại thi hào rồi thốt lên: “Tưởng là phận bạc Đạm Tiên-Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây”. Lấy bút ghi vào cuốn sổ đang mở sẵn trên bàn mà nỗi buồn trong lòng chực trào ra cứ nghẹn lại. Bởi vậy khi viết bài thơ này, Vương Trọng không mảy may có ý định đăng báo mà chỉ ghi lại tâm trạng thật của mình, để dán dưới tấm ảnh, ngày nào cũng được ngắm như là trả xong một món nợ lòng. Khi viết xong 3 khổ đầu (mỗi khổ 6 câu), ông đọc lại và nghĩ rằng: Có buồn đấy nhưng chưa đến nỗi nào. Nếu khổ cuối sáng lên một ít thì có thể gửi đăng báo được. Vì thế mà ông viết tiếp: “Bao giờ cây súng rời vai-Nung vôi chở đá tượng đài xây lên”. Sau  này, có người bảo, đất nước ta đã hòa bình năm 1975 rồi mà đến năm 1982 vẫn còn tự hỏi “Bao giờ cây súng rời vai” thì vô lý. Sự thật là năm 1982, đất nước ta đang có cuộc chiến tranh biên giới dai dẳng, chỉ đến năm 1989, khi bộ đội ta hoàn thành nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia thì ta mới thực sự hòa bình.

Năm 1983, Báo Văn Nghệ đăng một trang thơ do tác giả tự chọn. Vương Trọng gửi bài “Bên mộ cụ Nguyễn Du”. Ông còn nhớ như in trên trang thơ sang trọng ấy, tên bài thơ này được in màu xanh như màu cỏ trên mộ cụ Nguyễn Du. Nhà thơ Thanh Tịnh gọi ông sang phòng riêng. Sau khi khen bài thơ và cung cấp cho ông về đôi câu đối đã dẫn trên kia, nhà thơ lão thành gốc Huế nói  rằng: “Vương Trọng có biết không, phía dưới câu đối nhà vua còn ghi mấy chữ: Minh Mạng hoàng đế trang tặng” và bình luận thêm rằng trang tặng chứ không phải ban tặng đâu nhé, chứng tỏ vua chúa ngày xưa cũng biết coi trọng nhà thơ.

Sau khi bài thơ ra đời, nhân dân các vùng mới biết được thực trạng của mộ đại thi hào lúc đó. Người thì viết thư, gọi điện chất vấn Bộ Văn hóa-Thông tin, Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh (lúc đó chưa tách tỉnh), người thì tổ chức các cuộc quyên góp để xây dựng lại mộ đại thi hào. Và thật kỳ diệu thay, đến ngày “cây súng rời vai” năm 1989 thì mộ cụ Nguyễn Du được xây lại khang trang như bây giờ.

Nguyễn Ngọc Phú

Có thể bạn quan tâm