Về việc góp phần giải quyết khiếu nại, tố cáo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm lại đây, cùng với việc đổi mới, cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, người dân đã nhận thức được vai trò làm chủ của mình, tích cực tham gia và đòi hỏi được tham gia vào nhiều công việc liên quan đến quản lý nhà nước. Đó là điều đáng mừng của một xã hội đang phấn đấu theo mục tiêu vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân từ bỏ tà đạo “Hà Mòn”. Ảnh: Hà Đức

Tuy vậy, mặt trái của vấn đề là, không ít những người lợi dụng dân chủ, công khai và quyền của mình để khiếu kiện, tham gia khiếu kiện, kích động khiếu kiện, gây mất an ninh trật tự. Nổi lên thường gặp trong các trường hợp khiếu kiện là mua bán, lấn chiếm đất đai; đền bù giải phóng mặt bằng; đòi lại tài sản trong diện bị tịch thu sau ngày giải phóng miền Nam; về chế độ và thực hiện các chế độ chính sách với các đối tượng thụ hưởng... Nhiều vụ việc thưa kiện, khiếu nại vượt cấp, kéo dài hàng chục năm, thậm chí hàng vài chục năm nhưng không thể giải quyết rốt ráo bởi nhiều nội dung, tình tiết của sự việc không rõ ràng, không đủ hồ sơ chứng lý; cũng có những vụ việc các cấp chính quyền hoặc tòa án đã giải quyết nhưng đối tượng vẫn tiếp tục khiếu nại, có không ít vụ tụ tập đông người, có kẻ quá khích kích động chống người thi hành công vụ.

Nhiều vụ, người khiếu kiện biết là mình sai nhưng lợi dụng dân chủ, vẫn liên tục khiếu kiện làm cho vụ việc thêm phức tạp. Cũng không loại trừ nhiều vụ việc kẻ xấu, những kẻ chống chế độ, lợi dụng kích động làm loạn nhằm mục đích hạ uy tín của chính quyền, giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Có vấn đề cần bàn liên quan nội dung trên là, trước hết có lẽ việc giải quyết vụ việc từ gốc và tận gốc, chính quyền cơ sở chưa làm tốt; ngoài các quy định pháp luật của Nhà nước, ở cơ sở còn có các quy chế, quy ước, hương ước... là những công cụ điều chỉnh xã hội, thế nhưng những “công cụ” đó liệu có đến tai người dân? Và nữa, công tác nắm bắt những mâu thuẫn nảy sinh trong dân ngay từ đầu và việc vận động hòa giải từ cấp cơ sở làm chưa đến nơi đến chốn.

Ở cơ sở hiện nay gần như đầy đủ các ban ngành, đoàn thể, các loại cán bộ từ thôn, làng đến xã. Thế mà một bộ phận không nhỏ trong số tổ chức, cá nhân đó không gần dân, cho dù hàng ngày đội ngũ này vẫn ở “trong dân, với dân, cùng dân”, cho nên những gì diễn ra ở đấy cán bộ không nắm được. Còn chưa nói đến tình trạng ở nông thôn, cán bộ có nhiều “dây nhợ chằng kéo” nhau từ bà con, dòng họ, gia đình, xóm giềng-một trở ngại không hề nhỏ trong việc xử lý, điều hành việc công. Nhất là khi sự việc khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc cho người dân dẫn đến có kẻ lợi dụng tụ tập đông người kích động chống đối thì việc xử lý không kiên quyết, du di trong thi hành pháp luật. Và việc sửa sai, khắc phục hậu quả của chính quyền, của cán bộ khi mình làm sai công khai trước dân làm không tốt, nên đôi khi bị kẻ xấu lợi dụng kích động khiếu kiện.

Nhưng vấn đề lớn hơn, đó là hiện một số chính sách, pháp luật của Nhà nước còn bất cập, nhiều kẽ hở, không phù hợp với thực tiễn cuộc sống, nhất là những vùng trình độ đa số người dân nhận thức xã hội còn thấp. Việc này cần có những cuộc điều tra khảo sát, hội nghị, hội thảo, tìm cho được những bất cập của các chính sách, pháp luật nói chung và việc điều chỉnh lĩnh vực khiếu nại tố cáo của công dân có liên quan đến lĩnh vực đất đai, tài nguyên, đầu tư, tài chính... nói riêng để sửa đổi, bổ sung, thay thế. Và, muốn người dân thấu hiểu chính sách, pháp luật không cách nào khác là liên tục tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng, từng vùng, từng cộng đồng dân cư, dân tộc.

Việc làm vừa nói trên phải là công việc của tất cả mọi ngành, mọi cấp, mọi cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị, đặc biệt là bộ máy và con người thực thi công vụ ở cơ sở. Được vậy, chắc chắn câu chuyện về khiếu nại, kiện cáo sẽ giảm, sẽ không còn nhiều những vụ việc khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, nếu không muốn khẳng định rằng nó sẽ được giải quyết một cách rốt ráo! Và đương nhiên tình hình sẽ ổn định, mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền, người dân với người dân sẽ không còn, an ninh trật xã hội sẽ được cải thiện, có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định đời sống của bà con ở cơ sở; và lớn hơn, lòng tin của người dân vào Đảng và Nhà nước sẽ được nâng cao!

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm