(GLO)- Hưởng ứng Chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động, mới đây, tại Lâm viên Biển Hồ (TP. Pleiku), UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Báo Tiền Phong, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam tổ chức lễ phát động trồng cây “Vì một Việt Nam xanh”.
Tại lễ phát động, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã trao 1 tỷ đồng để Sở Nông nghiệp và PTNT mua cây giống trồng phân tán trong năm 2021. Theo ông Nguyễn Văn Hoan-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, từ 1 tỷ đồng ban đầu, Sở sẽ đề xuất UBND tỉnh thành lập Quỹ “Ngân hàng cây xanh”. Đây được xem là mô hình xã hội hóa, kêu gọi sự đóng góp từ các cá nhân, đơn vị để chung tay bảo vệ rừng và tái sinh rừng.
Điểm qua các sự kiện vừa diễn ra để khẳng định rằng, Gia Lai là một trong những địa phương tiên phong hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh”.
Trước khi có Chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh, Gia Lai rất chú trọng đến công tác trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc. Theo thống kê, trong 5 năm (2015-2020), toàn tỉnh đã trồng mới 25.271 ha rừng, bằng 276,5% chỉ tiêu kế hoạch, gấp 6,3 lần so với Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra; góp phần nâng độ che phủ rừng (kể cả cây cao su) lên 46,7%. Riêng năm 2020, các địa phương, đơn vị và người dân trong tỉnh đã trồng được 830.800 cây xanh (tương ứng với 830,8 ha).
Phát huy những kết quả đạt được, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra chỉ tiêu trồng mới 40.000 ha rừng trong giai đoạn 2020-2025 và nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 47,75%.
Đồng chí Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trồng cây tại khu vực cầu treo khuôn viên Biển Hồ. Ảnh: Nguyễn Tú |
Để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu trồng rừng do Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra và Chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động, trong điều kiện nguồn ngân sách hạn chế như hiện nay thì Gia Lai cần có cơ chế linh hoạt và giải pháp quyết liệt để trồng rừng và trồng cây phân tán.
Trước hết, ngành Nông nghiệp và PTNT cũng như các địa phương trong tỉnh cần sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách để trồng rừng, phục hồi rừng nhằm phủ xanh đất trống, đồi trọc và nâng cao độ che phủ rừng. Quá trình trồng rừng phải gắn liền với công tác quy hoạch, chăm sóc và bảo vệ tài nguyên rừng; tránh tình trạng trồng rừng theo phong trào dẫn đến tỷ lệ cây sống thấp, gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Bên cạnh nguồn kinh phí từ các chương trình trồng rừng do Nhà nước đầu tư, tỉnh cần có cơ chế linh hoạt nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia trồng rừng. Trong điều kiện nguồn ngân sách có hạn thì tỉnh cần đẩy mạnh xã hội hóa từ khâu trồng đến chăm sóc và bảo vệ rừng.
Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể ở địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thức đúng về vai trò, tác dụng của rừng và cây xanh trong trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ nhận thức đúng, người dân sẽ tích cực tham gia trồng cây gây rừng và góp phần cùng lực lượng chức năng quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo, thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg, ngày 31-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng, Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa trình Chính phủ dự thảo Đề án trồng 1 tỷ cây xanh. Theo đó, 3 nhóm đối tượng được ngành lâm nghiệp xác định là: trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán và trồng cây phân tán thuộc hành lang giao thông, bờ ao, bờ ruộng…
Với đặc thù là tỉnh miền núi, Gia Lai có đủ điều kiện để triển khai tất cả các loại hình nêu trong đề án này. Vì vậy, ngay từ bây giờ, tỉnh cần tranh thủ tối đa các nguồn lực để trồng cây xanh nhằm cải thiện môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng phải tăng cường công tác quản lý, bảo vệ vốn rừng hiện có để duy trì màu xanh cho tương lai.
DUY LÊ