Thời sự - Bình luận

Vì sao lương không tăng, giá cả tăng, thu thuế lại tăng vọt?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chỉ mới một quý, số thuế thu nhập cá nhân đã ước đạt 43,3% kế hoạch, tăng tới 20,6%. Tại sao lương 2 năm không tăng, dịch bệnh, bão giá khiến dân càng nghèo đi mà thuế thì vẫn tăng... khủng như thế?

Chưa tính bão giá, dịch bệnh đã khiến hàng chục triệu người bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập, trong khi đó thuế thu nhập cá nhân nằm nào cũng vượt thu. Ảnh: Một khu trọ của công nhân/Tường Minh
Chưa tính bão giá, dịch bệnh đã khiến hàng chục triệu người bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập, trong khi đó thuế thu nhập cá nhân nằm nào cũng vượt thu. Ảnh: Một khu trọ của công nhân/Tường Minh
Con số tăng trưởng 20,6% trong 3 tháng đầu năm là một điều gì đó như là nghịch lý khó hiểu.
Bởi trong 3 tháng đó, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng ngót 2%. Xăng dầu liên tiếp lập kỷ lục. Bên cạnh dịch bệnh, bão giá tiếp tục hoành hành. Và trong khi lương thì vẫn là “món nợ” 2 năm chưa trả. Có nghĩa rằng nguồn thu thì đang ngày càng thắt chặt, trong khi thuế thu nhập cá nhân thì như một “con tốt”, chỉ tiến không lùi, chỉ lên không xuống.
Chúng ta có những con số minh hoạ cho tính chất “con tốt” của thuế thu nhập cá nhân: Trong tháng 1.2022, số tiền từ thuế thu nhập cá nhân đạt tới 15.000 tỉ đồng, bằng 12,7% dự toán và chiếm 8,2% tổng thu ngân sách trong tháng.
Trước đó, 2021, khi dịch bệnh khắp nơi, nhiều người dân mất việc làm, số thu từ thuế thu nhập cá nhân vẫn đạt 123.000 tỉ đồng, vẫn vượt 14% so với dự toán, vẫn tăng 6,6% so với cùng kỳ. Mức “tăng trưởng” này được lượng hoá rằng người dân đã nộp thuế thu nhập năm 2021 nhiều hơn 15.100 tỉ đồng so với dự toán, tương đương mức tăng ròng hơn 7.600 tỉ đồng.
Câu hỏi tại sao quá dễ để trả lời: Thuế Thu nhập cá nhân chưa ban hành đã lạc hậu. Và lạc hậu đến mức thuế trở thành tận thu, thành “lấy của người nghèo ít chia cho người nghèo nhiều”. Ngoặc kép là từ ông Lê Thanh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động - Xã hội vào năm 2012, thời điểm mà Bộ Tài chính “lấy ý kiến” để sửa đổi thuế thu nhập cá nhân.
Trên báo Tuổi trẻ, khi đó ông Hà nói thêm rằng: Mức giảm trừ gia cảnh phải điều chỉnh theo tỉ lệ lạm phát. Bởi “giá trị của 10 triệu đồng bây giờ không thể bằng 10 triệu đồng của ba năm trước vì số hàng hóa dịch vụ mua được ngày càng giảm do lạm phát”.
Trong 10 năm, với 2 lần sửa đổi, giảm trừ gia cảnh vẫn là con số rất buồn cười- dù cười không nổi- so với giá cả. Chẳng hạn mức giảm trừ cho người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/người/tháng hiện tại. Và việc số thu thuế thu nhập cá nhân 10 năm tăng gấp 9-10 lần là một minh chứng cho sự lạc hậu, và việc để thuế lạc hậu đến vô cảm.
Chúng ta có cơ hội thay đổi nghịch lý này khi Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi thuế thu nhập cá nhân.
Nhưng sự thay đổi chỉ có thể có khi có sự thay đổi từ gốc rễ. Rằng thuế thu nhập cá nhân phải là sự khoan thư, lấy sức dân làm gốc, thay vì coi đó là một nguồn thu để rồi hành thu đến tận thu.
Theo Anh Đào (LĐO)
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/vi-sao-luong-khong-tang-gia-ca-tang-thu-thue-lai-tang-vot-1030202.ldo

Có thể bạn quan tâm