(GLO)- Có lẽ từ năm 1976 đến nay, việc phong học hàm giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) chưa khi nào chịu nhiều tai tiếng như đợt xem xét, bỏ phiếu thông qua của năm 2017 mới đây. Dư luận cho rằng đó là “chuyến tàu vét” để bắt đầu chuyển sang một quy chuẩn mới đối với việc phong học hàm trong thời gian tới, có lẽ là khó hơn.
Điều này có nguyên nhân của nó. Suốt một thời gian dài, đối với việc phong học hàm, chúng ta thường “đóng cửa khen nhau” là chính mà không chịu nâng tầm học hàm GS, PGS hay các học vị tiến sĩ, thạc sĩ lên tầm cao mới để tiệm cận với các tiêu chuẩn của các nước có nền giáo dục tiên tiến. Thực ra số lượng GS, PGS hay người có học vị tiến sĩ ở nước ta so với số dân và bình quân trên số sinh viên không cao, không bằng một số nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Nhưng ở đây, người ta thường đề cập đến chất lượng của đội ngũ làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học này.
Ảnh minh họa |
Ở nước ta, đa số những người có học hàm, học vị thường thoát ly công việc chính của mình là nghiên cứu và giảng dạy để bước vào công tác quản lý nhà nước, đảm nhận các chức vụ quan trọng trong bộ máy công quyền. Ở các nước Âu, Mỹ, học hàm GS, PGS là chức danh nghề nghiệp, chỉ dành cho những người trực tiếp giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, viện nghiên cứu. Xét về bản chất vấn đề, đa số những vị có học hàm, học vị ở nước ta hiện nay hầu như ít tham gia công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Trong số 1.226 vị được công nhận GS, PGS năm 2017 thì có đến 29 tân GS (chiếm 34%) và 609 tân PGS (chiếm 53%) không có bài báo khoa học nào được đăng trên các tạp chí ISI/SCOPUS (tạp chí khoa học uy tín của thế giới), chủ yếu rơi vào các vị thuộc ngành khoa học xã hội. Đối với ngành khoa học an ninh và quốc phòng, trong số 93 người được xét duyệt thì chỉ có 1 người có bài đăng trên tạp chí danh tiếng quốc tế. Ngành triết học-xã hội-chính trị chỉ có 2/26 vị tân PGS vừa được phong hàm có bài báo đăng ở tạp chí quốc tế. Đó là chưa kể đến có nhiều vị hiện đang giữ trọng trách trong bộ máy nhà nước cũng đã được phong chức danh khoa học kỳ này. Riêng trong số các vị được công nhận năm 2017, chỉ có 1 tân GS và 3 tân PGS có nhiều bài công bố trên ISI/SCOPUS, có chỉ số ảnh hưởng cao và nhiều công trình được ứng dụng hiệu quả trong thực tế (số liệu dựa trên thống kê của Hội đồng Chức danh đã công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng).
Có lẽ chính vì lý do đó nên Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Hội đồng Chức danh GS, PGS Nhà nước rà soát lại tất cả số vị được phong học hàm vừa rồi. Để việc phong học hàm GS, PGS những năm tới đi vào thực chất hơn, chúng ta cần trả lại nguyên mẫu chức danh nghề nghiệp như các nước trên thế giới đã làm. Và quan trọng là những người được phong học hàm phải có công trình khoa học tương xứng, có bài báo trên tạp chí danh tiếng quốc tế và phải gắn với cơ sở đại học trong nước rõ ràng.
Bùi Quang Vinh