Thời sự - Bình luận

Việc làm bình thường bỗng trở thành... "bất thường" của hai ông Chủ tịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thật ra thì những việc trên lạ nhưng cũng không lạ bởi vì còn có những việc còn… lạ hơn. Ví như khen thưởng cho cán bộ không nhận hối lộ chẳng hạn. Nhận hối lộ là vi phạm pháp luật thì việc cán bộ, công chức không nhận là tất nhiên sao lại được… khen thưởng nhỉ? Chịu!
 
Có hai sự kiện ở Đồng bằng Cửu Long gây xôn xao dư luận với hàng trăm comment (ý kiến) gửi về Dân trí bày tỏ sự ngưỡng mộ.
Vụ việc thứ nhất, theo nhà báo Mạnh Quân (Dân trí), ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau trả lại số tiền thừa (đền bù sai) cho Nhà nước.
Lý do, trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, ngày 10.8.2018, cán bộ thực thi công việc đã chi không chính xác cho gia đình ông 1,2 tỉ đồng. Ngày 29.9.2018, gia đình đã tự nguyện đem nộp lại số tiền này.
Theo giải thích của gia đình, lý do nộp lại chậm vì khi họ báo và xin nộp lại tiền thì Trung tâm phát triển quỹ đất trả lời chưa làm ngay được vì còn phải tính lại phần bồi thường cây cối trên mảnh đất đó nên bị kéo dài (10.8-29.9).
Vụ việc thứ hai, theo phóng viên Nguyễn Hành của Dân trí, từ nhiều năm nay ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp luôn đến cơ quan bằng xe máy.
“Thời tiết mát mẻ thì đi xe máy thích hơn. Đặc biệt khi đi xe máy, mình muốn ghé, đỗ xe chỗ nào cũng được. Và đi xe máy giúp tôi cũng như nhiều anh em khác dễ quan sát xung quanh. Có khi gặp rác thải, biển hiệu giao thông bị hư… là chụp hình gửi cho cán bộ quản lý để xử lý ngay.
Ngoài ra, khi tôi đi xe máy, tôi có thể dễ dàng vào các khu dân cư, nhìn cuộc sống của bà con; bà con có việc bức xúc, phiền hà về cán bộ, thủ tục hành chính… là gọi ngay mình lại để trình bày. Có việc giải quyết ngay tại chỗ cho bà con, có việc chuyển nhanh đến bộ phận liên quan, giải quyết cho người dân”. Ông Dương nói.
Trước hết, xin ghi nhận hành động của hai ông. Song, xin nói thật, nó là điều… bình thường.
Lý do, việc ông Chủ tịch Cà Mau trả lại khoản tiền nhầm lẫn là tất yếu như người đi mua hàng trả lại cho người bán hàng lúc tính toán sai còn chuyện ông Chủ tịch Đồng Tháp đi làm bằng xe máy thì cũng… đương nhiên.
Nói đương nhiên là bởi từ nhiều năm trước đây, Bộ Tài chính đã đề nghị Chính phủ khoán xe cho hàm thứ trưởng và cấp tương đương, mới đây nhất, nghị định 04/2019 qui định cấp thứ trưởng, chủ tịch các tỉnh, chủ tịch các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được tự nguyện khoán xe thì việc ông Chủ tịch Đồng Tháp đi làm bằng xe máy có gì là lạ?
Thế nhưng ở ta, nó lại là sự kiện, cái bình thường đã trở thành… bất thường!
Vì sao vậy?
Có thể dó có “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, công chức mà nói như nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan là “ăn không từ thứ gì” thì việc một cán bộ trả lại tiền chi sai trở thành… sự kiện mà có thể chính chủ nhân của nó (ở đây là ông Hải) không nghĩ tới bởi họ nghĩ rất đơn giản, cái gì không phải của mình thì không nhận.
Đối với việc không đi làm bằng ô tô của ông Chủ tịch Đồng Tháp, nó được coi là “bất thường” có lẽ bởi mỗi khi vào công sở, người dân không khó nhận thấy cảnh tượng “Ngựa xe như nước, áo quần như nen – Kiều” dù cán bộ công chức lương ba cọc, ba đồng.
Nó bất thường có lẽ còn ở chỗ từ năm 2007, Bộ Tài chính dưới thời ông Vũ Văn Ninh đã đề nghị Chính phủ ban hành Quyết định 59 về việc khoán xe công. Theo đó, tiền phụ cấp xe công sẽ được tính vào lương cho các đối tượng từ cấp thứ trưởng trở xuống. Thế nhưng hình như cho đến thời điểm này, 12 năm (2007-2019) đã qua nhưng mới chỉ có mỗi ông Trần Quốc Thuận, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thực hiện.
Giờ thì ông Thuận về hưu cũng đã ngót nghét chục năm rồi và ngay chính cái bộ đề xuất Chính phủ ban hành quyết định này cho đến nay hình như vẫn chưa có ai thực hiện (có khi lại là bộ có nhiều cán bộ đi làm bằng ô tô nhất?).
Thật ra thì những việc trên lạ nhưng cũng không lạ bởi vì còn có những việc còn… lạ hơn. Ví như khen thưởng cho cán bộ không nhận hối lộ chẳng hạn. Nhận hối lộ là vi phạm pháp luật thì việc cán bộ, công chức không nhận là tất nhiên sao lại được… khen thưởng nhỉ? Chịu!
Trở lại với hành động của hai vị lãnh đạo hai địa phương trên, nhìn dư luận ở góc độ nào đó cho thấy có điều gì chưa ổn bởi chỉ trong một xã hội bất thường thì điều bình thường mới trở thành bất thường và ngược lại. Cụ thể ở đây, việc ông Hải trả lại tiền và việc ông Dương đi làm bằng xe máy là rất bình thường bỗng trở thành sự kiện… bất thường!
Tuy vậy, vẫn cảm ơn hai ông đã làm điều… bình thường và vì thế, đã có hàng trăm ý kiến gửi về cho chúng tôi khen ngợi.
Bùi Hoàng Tám (Dân trí)

Có thể bạn quan tâm