Một viên đá nằm suốt nhiều thế kỷ trong bảo tàng hóa ra chứa một kho báu vô giá bên trong, được sinh ra từ đá và nước.
Nghiên cứu đứng đầu bởi tiến sĩ Mike Rumsey, người phụ trách lĩnh vực khoáng sản của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London (Anh) đã có cuộc "khai quật" ngoạn mục... ngay tại bảo tàng.
Theo BBC, viên đá đẹp mắt, trông như bao bọc lấy một viên đá khác màu ngọc lục bảo đã được khai quật ở Cornwall (Anh) từ những năm 1700 và được đưa vào bộ sưu tập của bảo tàng này từ năm 1964. Nhưng mãi cho đến năm 2020, một cuộc phân tích mới trên phần lõi màu lục bảo cho thấy đó là một loại vật liệu hoàn toàn mới, khác với mọi thứ từng thấy trên thế giới!
Cận cảnh viên đá chứa loại khoáng chất đặc biệt trong lòng - Ảnh: BẢO TÀNG LỊCH SỬ TỰ NHIÊN LONDON |
Tờ Sci-News cho biết các nhà khoa học đã đặt tên vật liệu đặc biệt này là kernowite, được hình thành một cách tình cờ khi các nguyên tố có trong nước chảy qua một loại đá đã biết đã tái kết hợp với một số nguyên tố trong đá, tạo nên thứ gọi là "khoáng chất thứ cấp". Điều đặc biệt là từ năm 1700 đến nay, chỉ có Cornwall của Anh là nơi duy nhất trên thế giới xuất hiện loại khoáng chất màu ngọc lục bảo lạ lùng này.
Để xác định nó là mới, các nhà khoa học đã phân tích để xác định thành phần hóa học của vật liệu và vị trí các nguyên tử trong cấu trúc tinh thể 3D. Chỉ cần 1 trong 2 yếu tố nói trên chưa từng ghi nhận ở vật liệu nào, nó đã được xác định là mới. Ở kernowite, tất cả đều là mới. Do mới và chưa ai tìm thấy viên thứ 2, khó lòng định giá viên đá nhưng chắc chắn nó có giá trị khổng lồ so với các vật liệu đã biết khác, là cả một kho báu.
Nghiên cứu sẽ được đăng tải chi tiết trên Mineralogical Magazine số sắp tới.
Anh Thư (NLĐO)