Thời sự - Bình luận

VinFuture trong thế giới phẳng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trước đây, có lẽ ít ai hình dung một giải thưởng lớn trị giá tới 3 triệu USD như giải thưởng VinFuture cho nhóm các nhà khoa học phát minh ra nền tảng công nghệ vaccine mRNA giúp nhân loại vượt qua đại dịch lại do một doanh nhân Việt Nam trao tặng.
Chính doanh nhân người Việt đã đứng ra lập quỹ và sẽ tổ chức thường niên giải thưởng như vậy với số kinh phí dự chi hàng năm, chỉ tính riêng phần để chi cho các giải đã là 4,5 triệu USD. Một giải thưởng mà về con số là lớn thuộc loại hàng đầu thế giới.
Sau lễ trao giải VinFuture, Tiến sĩ Đặng Vũ Chư, nguyên Bộ trưởng hơn 2 nhiệm kỳ (1990-2002) của Bộ Công nghiệp và trước nữa là Bộ Công nghiệp Nhẹ, đã gọi điện tâm sự với tôi về sự kiện nói trên trong một cảm xúc rất đặc biệt.  Sự kiện khiến chúng tôi đều thấy thật đầy tự hào. 
Ông trải lòng rằng, chỉ có doanh nghiệp tư nhân họ mới dám nghĩ và dám làm việc lớn này. Doanh nghiệp nhà nước thì hẳn sẽ gặp nhiều rào cản: Tiềm lực không có, cơ chế không cho phép và cả uy tín nữa, bởi không dễ mời được các nhà khoa học hàng đầu thế giới tham gia một Hội đồng tuyển chọn như vậy. 
Theo Tiến sĩ Đặng Vũ Chư, khi muốn tìm hiểu về thế giới phẳng hôm nay, hãy thử nhìn lại qua một ví dụ thú vị, sinh động và rất cụ thể này, từ đó chúng ta sẽ hiểu nhiều điều mà cả trăm năm trước, tuyệt nhiên không ai nghĩ ra. 
Ông cho rằng, nhờ có Tư bản luận của Karl Marx  mà giai cấp tư sản đã nhận ra những điểm yếu của mình rồi họ đã tự điều chỉnh liên tục để được nhưng thành tựu tích cực như bây giờ. Cách nhìn về một chủ nghĩa tư bản chỉ biết có bóc lột người lao động đến cùng kiệt, dã man của thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 đã dần trở nên xa lạ với xu hướng hiện nay. 
Thật cảm phục khát vọng muốn cống hiến cho đất nước của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Một doanh nhân không chỉ muốn làm giàu mà còn muốn cống hiến và có tâm, có tầm. Chỉ riêng 2 năm vừa qua, Vingroup đã ủng hộ cả gần chục ngàn tỷ đồng cho cuộc chiến chống dịch bệnh kinh hoàng. Điều đó cho thấy họ là những nhà tư bản xã hội.
Khái niệm" tư bản xã hội" mà ông nêu là từ một thực tiễn vài chục năm qua, các quốc gia dù theo chế độ chính trị khác nhau cũng đều phấn đấu cho mục tiêu chung nhất định nên đã có những điểm chung. Đó là chưa kể, chế độ ta hiện rất coi trọng kinh tế tư nhân, coi đó như một động lực quan trọng để phát triển kinh tế.
 
Thủ tướng Phạm Minh Chính (thứ hai từ phải sang) trao giải thưởng chính cho ba nhà khoa học.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (thứ hai từ phải sang) trao giải thưởng chính cho ba nhà khoa học.
Và tất cả, dù là kinh tế tư nhân hay nhà nước thì cũng đều có mục tiêu chung: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Phát triển phải gắn liền với phục vụ xã hội và bảo vệ môi trường; giữ vững độc lập, chủ quyền và bản sắc dân tộc; xây dựng một nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Do đó, quốc gia nào chú trọng nghiêng về giải quyết những vấn đề xã hội và coi trọng người lao động nhiều hơn thì quốc gia đó hướng theo con đường xã hội chủ nghĩa. Còn quốc gia nào chú trọng nghiêng về tầng lớp trung lưu  và coi lợi nhuận là trên hết thì quốc gia đó hướng theo con đường tư bản. Và thực tế thì thế giới hiện nay đang chứng kiến sự hội tụ của hai khuynh hướng: XHCN thì có điều chỉnh theo hướng thị trường và TBCN có điều chỉnh theo hướng xã hội trong một thế giới chung mà ta quen gọi là thế giới phẳng - TS Đặng Vũ Chư phân tích.
Nghiệm lại thời gian vừa rồi, khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, ông cũng bị một bộ phận dân Mỹ không ủng hộ. Thế nhưng trái lại, cũng vì bị một bộ phận dân không tán thành nhưng cách làm của ông lại có lợi về ngân sách cho nước này khi ông quyết thu thuế  tầng lớp khá giả cao hơn: Người có doanh thu trên 1 tỷ USD/năm thì bị thu 5% thuế thu nhập; và nếu có doanh thu từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ USD thì ở mức 3%. 
Đây phải chăng cũng là một cách điều chỉnh để có lợi cho người có thu nhập thấp? Chính phủ Biden đã dùng nguồn thu kiểu như vậy để trợ cấp cho người nghèo ở Mỹ, mua vaccine giúp đỡ cho các quốc gia nghèo khó trên toàn thế giới, không phân biệt chế độ chính trị.  
Đó là với một tổ chức nhà nước. Còn các nhà tư bản tư nhân thì tư duy kiếm tiền cũng đã khác xa ngày trước. Tiền họ có thể kiếm được nhiều hơn, nhanh hơn nhờ công nghệ 4.0, thậm chí là quá nhiều và quá nhanh. Thế nhưng họ đã dùng nhữngkhoản không nhỏ để làm từ thiện.   Ví dụ điển hình có lẽ phải kể đến như tỷ phú Charles Chuck Feeney, Warren Buffett, Bill Gates, Elon Musk...
Họ không chỉ nổi tiếng về khả năng kinh doanh tài ba mà còn được cả thế giới biết đến về sự hào phóng trong các hoạt động từ thiện.   
Tỷ phú người Mỹ gốc Ireland Charles Chuck Feeney đã cho đi hết số tài sản 8 tỷ USD của mình. Ông chính là người đồng sáng lập chuỗi cửa hàng miễn thuế khổng lồ trên khắp thế giới. Ông chỉ giữ lại 2 triệu USD để sống cùng vợ những ngày cuối đời.
Ông Chuck Feeney được cho là nguồn cảm hứng thúc đẩy hai tỷ phú nổi tiếng hàng đầu thế giới là Bill Gates và Warren Buffett thành lập quỹ cam kết cho đi "Giving Pledge" - chiến dịch kêu gọi tầng lớp giàu nhất nước Mỹ cho đi ít nhất 50% khối tài sản trước khi qua đời.
Thực hiện lời hứa cho đi phần lớn tài sản của mình, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett vừa đóng góp 2,9 tỷ USD cổ phiếu của Berkshire cho các tổ chức từ thiện. 
Ông Bill Gates quan niệm rằng, sẽ thật không công bằng khi người thì quá giàu có, trong khi hàng tỉ người khác lại có rất ít tài sản. Do đó, ông muốn chia sẻ những gì mình có cho những người kém may mắn trong xã hội.
Giám đốc điều hành Tesla và SpaceX, Elon Musk vừa khẳng định trên Twitter sẵn sàng bán cổ phiếu của mình để giúp giải quyết nạn đói trên toàn cầu. Ông cho biết sẽ quyên góp tới 6 tỷ USD nếu các lãnh đạo của Chương trình Lương thực Thế giới WFP thuộc Liên Hợp Quốc cung cấp bằng chứng rằng khoản tiền này sẽ tạo ra sự khác biệt.
Mấy ví dụ trên là đã đủ thấy, các nhà tư bản hôm nay có tư duy làm giàu rất khác xưa. Nếu họ muốn trở thành các nhà tư bản khổng lồ thì chính họ cần phải làm gì, ứng xử ra sao với nhân loại. 
Chính vì xu hướng tích cực này mà thế giới hôm nay phải chăng đã bớt hận thù, bớt xa cách, bớt đi khoảng cách giữa người vốn bị xem là người chủ bóc lột với người làm thuê  vốn bị xem là người bị chủ bóc lột, để trở về một thế giới phẳng. 
Tất nhiên, đây chỉ là mong ước, là cam kết, nhưng phải chăng nó đang là xu hướng mà loài người cùng hướng đến với tư duy tích cực và lối sống chân, thiện, mỹ tốt hơn, đẹp hơn...
Những gì tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Tập đoàn Vingroup làm đêm 20/1/2021 thật đáng nể trọng. Họ đã vinh danh các nhà khoa học, nhất là vinh danh những người tạo ra công nghệ mRNA - nền phát triển vaccine Covid-19 mang lại lợi ích cho hàng tỷ người trên trái đất này.
Cái cách họ tổ chức, trao giải, mời được các nhà khoa học hàng đầu thế giới đến khiến người xem không chỉ nghĩ đến những con số khổng lồ, mà còn thấy tự hào, còn lan toả được những điều tích cực. Chắc hẳn những người trẻ Việt Nam sẽ quan tâm đến khoa học hơn, chính phủ cũng sẽ thấy cần đầu tư nhiều hơn cho khoa học công nghệ, bởi vì chính nguồn tài nguyên chất xám mới là nguồn lực lớn nhất cần cho những tập đoàn như Vin, và lớn hơn, cần để phát triển đất nước.
Theo Đức Phong (Dân Việt)
https://danviet.vn/vinfuture-trong-the-gioi-phang-20220122091308748.htm

Có thể bạn quan tâm