Phóng sự - Ký sự

Vợ chồng trên tuyến đầu chống dịch: 'Ra trận' sau ngày cưới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong cuộc chiến giành sự sống cho bệnh nhân Covid-19, không ít cặp vợ chồng là y bác sĩ trên tuyến đầu phải tạm gác những dự định riêng để cùng nhau đương đầu dịch bệnh.
Khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, Bệnh viện H.Củ Chi (TP.HCM) được chuyển đổi công năng từ bệnh viện đa khoa sang Bệnh viện điều trị Covid-19. 9 khoa trước kia cũng được chuyển thành 9 khoa nhiễm, riêng khoa ICU (hồi sức tích cực) vẫn giữ nguyên với chức năng điều trị các bệnh nhân Covid-19 tiên lượng nặng, cần thở máy.
Hối hả tổ chức đám cưới để tránh bị hoãn do dịch, đôi vợ chồng bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Phương Dung (28 tuổi, khoa nội tổng quát) và BS Bùi Hữu Hoàng (27 tuổi, khoa chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện H.Củ Chi) tiếp tục dời lịch nghỉ “tuần trăng mật” để tập trung cùng đồng nghiệp chống dịch Covid-19 trong suốt nhiều tháng qua.

Vợ chồng bác sĩ Phương Dung và Hữu Hoàng trao đổi công việc trong khu điều trị với tình nguyện viên F0. Ảnh: Trần Tiến
Vợ chồng bác sĩ Phương Dung và Hữu Hoàng trao đổi công việc trong khu điều trị với tình nguyện viên F0. Ảnh: Trần Tiến
Gác lại mọi dự định riêng
Phương Dung và Hữu Hoàng công tác tại bệnh viện được khoảng 4 năm, do làm cùng bệnh viện nên cả hai cũng thuận tiện đưa đón nhau. BS Dung và chồng bén duyên khi còn là sinh viên ngành y đa khoa của Trường ĐH Tây Nguyên. Năm 2018, sau khi tốt nghiệp, cả hai quyết định “Nam tiến” và sau đó “cập bến” Bệnh viện H.Củ Chi.
BS Trần Chánh Xuân, Giám đốc Bệnh viện H.Củ Chi, cho biết hiện nay bệnh viện tiếp nhận điều trị khoảng 350 bệnh nhân có triệu chứng. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, bệnh viện có tiếp nhận lực lượng y BS tăng cường từ nhiều tỉnh phía bắc vào hỗ trợ, trong đó có thời điểm có đến 200 y BS tình nguyện. Đến nay khi lượng bệnh nhân đã giảm, bệnh viện có 120 y BS đang công tác.
“Bệnh viện cũng là nơi đầu tiên triển khai mô hình F0 tình nguyện, nhiều trường hợp tại đây khỏi bệnh và muốn giúp đỡ những F0 khác nên ở lại làm tình nguyện. Bệnh viện cũng đã ký hợp đồng có trợ cấp đối với 10 tình nguyện viên”, Giám đốc Bệnh viện H.Củ Chi nói.
Sau 9 năm yêu nhau, cả hai quyết định tiến tới hôn nhân, tổ chức lễ cưới ấm cúng vào tháng 3.2021 vừa qua. Vừa cưới xong, hai vợ chồng chưa có dịp về thăm hỏi gia đình nội ngoại cũng như chưa có thời gian dành cho nhau thì đã phải đương đầu với dịch bệnh nơi tuyến đầu.
“May là cưới trước dịch bùng phát vài tuần nên không bị hoãn. Rồi dịch tới, hai vợ chồng tập trung làm đến giờ luôn, suốt mấy tháng ròng rã. Cả hai cũng có nhiều dự tính riêng, nhưng bây giờ được chợp mắt là mừng rồi”, BS Hữu Hoàng nói.
Những ngày đầu Bệnh viện H.Củ Chi chuyển sang tiếp nhận bệnh nhân Covid-19, mọi thứ đều gặp không ít khó khăn. Do chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý cũng như lượng bệnh nhân nhiều, đội ngũ y BS phải căng sức làm việc.
“Ngày ấy mình còn chưa có nhiều kinh nghiệm, phần nữa là chưa có tình nguyện viên F0 bên trong khu điều trị nên rất cực, mọi áp lực đổ dồn lên vai y BS và nhân viên y tế. Mọi người phải vừa làm vừa học hỏi, đến nay thì mọi thứ đã quen rồi. Bệnh nhân hiện nay nhiều người cũng được tiêm vắc xin nên tình trạng diễn biến nặng cũng ít hơn”, BS Phương Dung kể.

Vợ chồng bác sĩ Phương Dung và bác sĩ Hữu Hoàng chụp ảnh cưới vào đầu năm 2021. Ảnh: NVCC
Vợ chồng bác sĩ Phương Dung và bác sĩ Hữu Hoàng chụp ảnh cưới vào đầu năm 2021. Ảnh: NVCC
May mắn vì có vợ đồng hành
Là người trẻ, tràn đầy nhiệt huyết nên mọi công việc dù căng thẳng hay mệt mỏi cũng không làm vợ chồng BS Phương Dung - Hữu Hoàng nản lòng. Số lượng bệnh nhân tăng trong những tháng cao điểm dịch, công việc làm gấp đôi gấp ba, những khó khăn cứ dồn dập ập đến, nhưng tất cả đều cố gắng hết mình vì bệnh nhân cần được cứu chữa.
Là BS khoa chấn thương chỉnh hình, nay được tăng cường hỗ trợ khoa nhiễm 7, Bùi Hữu Hoàng không ít lần chứng kiến những trường hợp không qua khỏi vì Covid-19. Những lần tinh thần xuống dốc hoặc cảm thấy áp lực trong công việc, BS Hoàng tâm sự cùng vợ, vì “may mắn là hai vợ chồng đều làm ngành y, cùng nghề nên dễ kể nhau nghe”.
Thấy đã quá giờ trưa, chúng tôi thắc mắc sao các y BS trong ca trực vẫn chưa nghỉ ngơi. “Ở đây ăn tùy lúc vì công việc nhiều lắm. Khi nào rảnh mới ăn, chứ không có giờ nghỉ trưa”, Phương Dung cười nói.
Nghỉ tay vài phút, cả hai vợ chồng BS Phương Dung - Hữu Hoàng tiếp tục chia ra kiểm tra những bệnh nhân đang điều trị tại khu điều trị để kịp ứng phó các tình huống xảy ra. Mọi thứ cứ lặp đi lặp lại tuần tự trong suốt 5 tháng chống dịch.
Tại khoa nhiễm 1 (trước đây là khoa nội tổng quát) với khoảng 50 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, công việc hằng ngày của đội ngũ y BS là tận tụy làm tất cả mọi việc từ dọn dẹp vệ sinh đến thăm khám từng bệnh nhân.
“Có đôi lần suy sụp khi chứng kiến bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng trước mặt mình mà vài tiếng trước đó họ còn mong ngóng trở về nhà. Những lúc như vậy nước mắt bỗng chực trào ra, nhưng tôi phải cố kiềm nén quay đi chỗ khác. Dù có khóc cũng trốn một góc không ai thấy, vì sợ rằng mình mất bình tĩnh sẽ khiến tinh thần của đồng nghiệp nặng nề hơn”, BS Dung lặng giọng kể chuyện nghề.
Theo BS Phương Dung, gần đây có thêm 2 tình nguyện viên là F0 đã khỏi bệnh, nên công việc bên trong khu điều trị cũng được giảm hẳn. Những việc lặt vặt được 2 tình nguyện viên sắp xếp phía trong khu điều trị, còn y BS tập trung vào khám chữa bệnh và xử lý những ca chuyển biến nặng.
Mong có tuần trăng mật vào tháng 12
Còn với BS Hữu Hoàng, tính tình tuy ít nói nhưng chỉ cần quan sát hành động hoặc cử chỉ của vợ, anh đã thấu hiểu được tâm trạng của bạn đời, bởi cả hai đã gắn bó với nhau từ thời còn sinh viên và đến nay làm cùng đơn vị. Những ngày khi thấy vợ mệt mỏi, đuối sức vì lượng công việc quá tải, anh lại tìm đến dành thời gian lắng nghe vợ thủ thỉ.
“Tôi luôn cố gắng sắp xếp cùng buổi trực với vợ. Thời gian ở cạnh nhau không nhiều nên đôi khi chỉ cần gặp mặt vài phút, nhìn nhau qua lớp khẩu trang thôi cũng đủ rồi. Bây giờ thì vừa làm vừa học nâng cao nên càng ít thời gian gặp nhau”, BS Hoàng nói.
Những ngày gần đây, công việc không còn bề bộn như trước, lượng bệnh nhân cũng không tăng dồn dập như ngày đầu. Đội ngũ y BS cũng đã có bề dày kinh nghiệm về điều trị Covid-19 nên mọi thứ đang dần “giảm nhiệt”.
Khi tiếp xúc, chúng tôi cảm nhận được sự vui mừng của đôi vợ chồng trẻ khi nói về lượng bệnh nhân đã giảm trong thời gian gần đây. Là BS trẻ, nhiệt huyết trong giai đoạn đầu cống hiến với nghề y, với họ, chỉ cần cứu được càng nhiều người thì đó chính là niềm vui, động lực để cống hiến.
Ngồi cạnh chồng, BS Phương Dung lại “khui” chuyện cũ vì chưa được cùng nhau đi du lịch, chưa được hưởng tuần trăng mật, bởi cả hai cùng đồng nghiệp căng mình chống dịch giúp TP.HCM vượt qua Covid-19. “Mong TP.HCM sẽ hết dịch vào tháng 12 này, lúc đó cả hai sẽ xin nghỉ phép để đi Đà Lạt một chuyến”, BS Phương Dung nhìn chồng nói.
(còn tiếp)
Theo Trần Tiến - Đào Nguyên (TNO)

Có thể bạn quan tâm