Vỡ mộng giàu sang trên đất khách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỉ vì tin lời đường mật của những kẻ chuyên dụ dỗ, môi giới đưa người vượt biên, một số đồng bào dân tộc thiểu số nhẹ dạ cả tin đã bán hết ruộng rẫy, bỏ lại gia đình, người thân để trốn qua Campuchia, Thái Lan làm thuê. Đổi đời đâu không thấy, chỉ thấy ôm cay đắng trở về. Tiền mất, lại trải qua những ngày tháng sống chui lủi, vất vả nơi đất khách. Được sự giúp đỡ và chính sách khoan hồng của chính quyền địa phương, nay họ trở về đoàn tụ với gia đình, nguyện tu chí làm lại cuộc đời…

Cay đắng vì tin lời kẻ xấu

Tháng 6-2013, trong một lần đi thăm người quen bị bệnh nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Ksor Eli (SN 1987, trú tại làng Têng 2, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) gặp một người Jrai. Sau một hồi lân la làm quen, người này bảo với Eli có muốn vượt biên qua Thái Lan không, vì bên ấy dễ kiếm tiền, nhiều việc... Đang khó khăn, Eli về nhà suy nghĩ rồi quyết định gom tiền đưa cho người đó 7 triệu đồng để lo cho mình vượt biên qua Thái Lan.

Ngày 22-6-2013, Eli cùng 13 người khác đều là người dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku, huyện Đức Cơ và một số người ở tỉnh Kon Tum, Đak Lak bắt đầu hành trình vượt biên. Đi với Eli, cùng ở làng Têng còn có Ksor Nai (SN 1995).

 

 Chính quyền xã Tân Sơn tới thăm hỏi, động viên gia đình Eli và H'Ngọc. Ảnh: Lê Hòa
Chính quyền xã Tân Sơn tới thăm hỏi, động viên gia đình Eli và H'Ngọc. Ảnh: Lê Hòa

Nhóm người bắt xe từ Bến xe Đức Long Gia Lai, sau đó xuống biên giới tỉnh Tây Ninh và vượt biên qua Campuchia. Nán lại Campuchia được ít ngày, đoàn người lại tìm cách vượt biên qua Thái Lan. Cuối tháng 6, vợ Eli là H’Ngọc (SN 1987) ở nhà lo bán 250 gốc cà phê đang cho thu hoạch lấy 160 triệu đồng, rồi giao cho Ksor H’Um-một phụ nữ cùng làng 95 triệu đồng để đưa hai mẹ con qua Thái Lan đoàn tụ cùng chồng.

Theo lời kể của Eli: “Họ đưa chúng tôi đến làm thuê cho một công trường xây dựng. Ông chủ là người Thái. Chúng tôi phải làm việc quần quật suốt cả ngày, có lúc phải làm đêm mà thu nhập chỉ bằng phân nửa người ta, vì ông chủ nói rằng, chúng tôi là lao động bất hợp pháp. Trung bình mỗi ngày, Eli được trả khoảng 250-280 ngàn đồng tiền Việt, nhưng chi phí ở Thái Lan rất đắt đỏ. Riêng tiền ăn mỗi ngày của mình đã mất khoảng 180 ngàn đồng rồi, chưa kể tiền ở, sinh hoạt khác. Vợ mình lại sinh con nên không làm được. Vất vả mà không đủ sống”.

Làm lụng cực khổ, nơi ăn chốn ở tạm bợ lại nhớ quê hương. Công trường xây dựng nơi Eli ở còn có khoảng 200 người lao động Việt Nam nhập cư trái phép nữa, họ đến từ nhiều địa phương khác nhau và Eli biết hầu hết họ đều mong mỏi được trở về quê hương nhưng không biết bắt đầu từ đâu. “Khổ nhất là chúng tôi luôn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ Cảnh sát Thái Lan đến kiểm tra và bắt phạt. Dù ông chủ đã “chung chi” nhưng nếu đến kiểm tra phát hiện ra thì họ vẫn bắt chúng tôi phải nộp phạt”-Eli nói.

Tương tự Eli, Ksor Nai cũng trốn gia đình vượt biên qua Thái Lan hy vọng đổi đời. Nai đã âm thầm lấy tiền tiết kiệm, bán cả xe máy bố mẹ mua cho để lấy 17 triệu đồng đưa cho người ta lo cho mình được đi làm bên nước ngoài. “Mình nghỉ học sớm, nếu nói ra bố mẹ không cho đi đâu nên mình trốn đi. Qua tới nơi rồi mới gọi về nhà báo cho gia đình. Họ hứa là làm ở Thái Lan một thời gian rồi sẽ tìm cách đưa đi Mỹ. Nhưng sung sướng đâu chẳng thấy, mình chỉ thấy vất vả, khổ cực thôi. Vậy nên mình liên lạc với người nhà để báo cho chính quyền địa phương, tìm đường về”-Nai cho biết.

Đắp xây lại cuộc đời

 

 Trở về quê hương, Nai quyết tâm xây dựng lại cuộc sống mới. Ảnh: Lê Hòa
Trở về quê hương, Nai quyết tâm xây dựng lại cuộc sống mới. Ảnh: Lê Hòa

Cay đắng nhận ra viễn cảnh bọn lừa người vượt biên vẽ ra chỉ là ảo ảnh, cuộc sống còn vất vả, nghèo đói hơn cả ở quê nhà, lại xa quê hương, người thân… Eli và Nai gọi điện về cho gia đình, nhờ báo với chính quyền địa phương giúp đỡ để họ được trở về quê hương. “Qua công tác nắm địa bàn, ngay khi phát hiện Eli và Nai điện thoại về cho gia đình, tôi đưa cho họ số điện thoại cá nhân và dặn họ nếu cần trợ giúp cứ gọi trực tiếp cho tôi. Đồng thời, xin ý kiến chỉ đạo từ cấp trên cam kết hứa sẽ không bắt bớ hay xử lý các đối tượng nếu quay trở về địa phương. Nhờ đó, họ đã an tâm kết nối với chính quyền, ngành chức năng và được tạo điều kiện đưa về Việt Nam”-ông Phạm Phụng-Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Sơn, TP. Pleiku chia sẻ.

Ngày 15-7-2015 vừa qua, nhờ sự can thiệp giúp đỡ của tổ chức UNHCR (Cao ủy Liên hợp quốc về Người tỵ nạn) thì Eli, Nai cùng nhiều người khác đã được trao trả về Việt Nam. “Về đến quê hương mình mừng rơi nước mắt. Khi về, thấy chính quyền địa phương quan tâm đến động viên, chia sẻ và còn hỗ trợ gạo ăn, mắm muối, mì tôm và còn được tạo điều kiện cho vay vốn sản xuất, mình hạnh phúc lắm. Mình biết mình sai rồi, cũng tại vì nhẹ dạ cả tin. Với mình bây giờ, không đâu bằng quê hương. Có gia đình, bạn bè, cuộc sống yên bình, chỉ cần chăm chỉ làm ăn sẽ no ấm”-Eli tâm sự.

Hoàn cảnh Eli hôm nay khá khó khăn, do vườn tược đã bán gần hết để lo tiền cho cả hai vợ chồng vượt biên. Eli và H’Ngọc đã hứa với gia đình và bà con dân làng sẽ cùng nhau gắn bó vượt qua. Còn Nai, trong những ngày vượt biên đã gặp một cô gái quê ở Đak Đoa cũng qua đây làm ăn và nên duyên vợ chồng. “Mình và vợ đều được đưa về cùng đợt. Giờ bố mẹ hai bên cho 2 sào đất để làm ăn, mình dự tính sẽ trồng tiêu. Lúc rảnh thì đi làm thuê, làm mướn để kiếm tiền chứ không dại dột gì đi vượt biên nữa”-Nai nói. Đáng quý là, không chỉ chính quyền địa phương quan tâm, mà đông đảo bà con xóm giềng làng Têng 2 không lấy đó làm lý do để xa lánh họ, mà vẫn mở rộng tấm lòng đón những đứa con lầm lỡ trở về…

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm