Ngân hàng không thể "phủi" trách nhiệm bồi thường tiền khi chính cán bộ của mình tham gia lừa đảo. Ảnh: Việt Dũng |
Án “Chung thân” đối với Nguyễn Thị Hà Thành- “siêu lừa” trong vụ án chiếm đoạt tới 430 tỉ đồng tại các ngân hàng NCB, VietAbank và PVcombank đã được cơ quan công tố đề nghị. Nhóm bị cáo là 17 cựu cán bộ ngân hàng bị đề nghị mức án từ 16-18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cơ quan công tố cáo buộc “siêu lừa” đã vay tiền của các cá nhân với lãi suất rất cao, nhưng “lấy của người sau trả người trước”. 17 cán bộ của các ngân hàng đã tiếp tay để Hà Thành lập các sổ tiết kiệm đồng sở hữu với khách hàng, sau đó, giả mạo chữ ký của họ để cầm cố, vay tiền ngân hàng.
Vụ án “siêu lừa” đang đặt ra 2 lập luận xuyên suốt phiên toà: Các bị hại cho rằng: Hà Thành lừa đảo, chiếm đoạt tiền của ngân hàng, chính ngân hàng phải có trách nhiệm khắc phục chứ không thể lấy tiền các bị hại bù vào.
Còn phía các ngân hàng, họ đề nghị được thay đổi tư cách tố tụng là người có quyền và nghĩa vụ liên quan, (thay cho tư cách bị hại). Họ lập luận “siêu lừa” gian dối chiếm đoạt tiền của những người mà bị cáo vay mượn, chứ không phải lấy tiền của ngân hàng. Và họ cho rằng trách nhiệm trả lại tiền cho các bị hại là của Hà Thành chứ không phải ngân hàng.
Nhưng đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố đã có những lập luận phải nói là rất đáng chú ý.
Theo cơ quan công tố, người gửi tiền vào ngân hàng bằng sổ tiết kiệm do mặc định đây là hình thức rất an toàn. Trong vụ án này, nếu các ngân hàng đòi thay đổi tư cách tố tụng, không bồi thường tiền cho người gửi, thậm chí còn tự ý tất toán, phong tỏa tài khoản, sổ tiết kiệm của khách hàng rất nhiều năm… giải quyết với khách hàng thế này thì còn ai yên tâm để gửi tiền vào nữa!".
Và cuối cùng, cơ quan công tố vẫn kiên định với quan điểm: Ngân hàng là những pháp nhân, khi nhân viên có sai phạm đương nhiên pháp nhân phải có trách nhiệm.
Vụ “siêu lừa” rất đáng chú ý với những người đang có chút ít tiền trong ngân hàng. Bởi thực chất, nó sẽ trả lời câu hỏi quan trọng nhất là “Có an toàn không”.
Ngân hàng không thể “nói không” về trách nhiệm bồi thường khi chính các nhân viên của mình có hành vi lừa đảo.
Và đúng như công tố lập luận: Còn ai yên tâm gửi tiền nữa nếu tiền bạc tài sản của họ cất trong két “bốc hơi” mà phía ngân hàng chỉ phủi tay.