Thời sự - Bình luận

Vụ Tân Hoàng Minh: Lời cảnh báo các đại gia "giải khát bằng nước biển"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vụ án Tân Hoàng Minh chính là lời cảnh báo đến loại “trái phiếu 3 không”, đến những đại gia đi vay từ trái phiếu còn lớn hơn nhiều so với tài sản công ty.

 

 9 đợt chào bán trái phiếu của 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã bị huỷ bỏ và tội danh
9 đợt chào bán trái phiếu của 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã bị huỷ bỏ và tội danh "Lừa đảo" đã được khởi tố. Trong ảnh: Ông Đỗ Anh Dũng và Đỗ Hoàng Việt (con trai ông Dũng). Ảnh: Bộ Công an


“Doanh nghiệp đã khát tiền đến mức… uống nước biển để giải khát”- bình luận của TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia trên báo Đầu Tư.

Đó là 3 tháng trước, khi “công ty cháu” của một tập đoàn bất động sản phát hành 17.000 tỉ đồng trái phiếu để huy động vốn với lãi suất 9%, nhưng thông tin từ các nhà đầu tư mua trái phiếu thì lãi suất thực tế chi trả lên tới 22%/năm.

Cơn khát tiền, hoặc “cánh cửa ngân hàng đóng sầm trước mặt” chính là nguyên do cho những cú huy động tiền thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp với mức lãi suất phi thực tế đến không tưởng.

Trên báo Diễn đàn doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết: Hiện quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã đạt 15,9% GDP. Và đây là một con số lớn đến mức  “vượt ngoài sự tưởng tượng của cơ quan quản lý".

Số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam cho biết: Trong năm 2021 có tổng cộng 964 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị đạt 595 ngàn tỉ đồng, trong đó có 937 đợt phát hành riêng lẻ và 23 đợt phát hành ra công chúng, 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế tổng giá trị 1,425 tỉ USD.

Trong số này, nhóm doanh nghiệp bất động sản phát hành tổng giá trị hơn 214 ngàn tỉ đồng, chiếm 36% với lãi suất từ 8%-13%/năm. Đáng chú ý là 29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.

Thực tế thị trường trái phiếu doanh nghiệp tồn tại không ít loại “trái phiếu 3 không”: Không tài sản đảm bảo, không định mức tín nhiệm, không có đơn vị bảo lãnh phát hành. Một ẩn hoạ rất lớn cho các nhà đầu tư, cho thị trường bất động sản và cả nền tài chính quốc gia.

Vụ án Tân Hoàng Minh với “phơi sáng” việc sử dụng nguồn tiền huy động từ trái phiếu doanh nghiệp sai mục đích - vì thế, không hề là một quân domino, nếu như không nói ngược lại, chính là việc “quét” các trái phiếu rác, giống như phát ra một tín hiệu cảnh báo tới việc phát hành trái phiếu bừa bãi để trả lại đúng nghĩa một kênh huy động vốn trong sạch cho doanh nghiệp.

Bởi nếu không chấn chỉnh, cứ để tồn tại tình trạng doanh nghiệp huy động cả trăm tỉ, ngàn tỉ qua trái phiếu nhưng không ai giám sát nguồn tiền này về đâu, đầu tư thế nào, sử dụng đúng/sai mục đích không... thì đó mới là nguy hiểm.


 
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/vu-tan-hoang-minh-loi-canh-bao-cac-dai-gia-giai-khat-bang-nuoc-bien-1031192.ldo

Theo Anh Đào (LĐO)

Có thể bạn quan tâm