Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Vui buồn theo mấy nắng mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhà nông, quanh năm lam lũ, chỉ nương theo nắng mưa mà vui buồn. Cái hân hoan cũng mỏng manh như làn khói, vui ít thôi mà sao buồn cứ dài đằng đẵng hết mùa lúa đến mùa khoai.

 



Mấy tháng trước, đang ngồi trong quán cà phê với bạn thì mẹ gọi tôi. Mẹ nói trên thành phố có nóng không, chứ ở quê nóng cháy cả đọt môn. Trời lúc nào cũng oi, đến mức mấy dây bầu cũng muốn héo. Tôi nói mẹ hôm nào nắng quá thì đừng ra ruộng nữa, nghỉ ở nhà cho khỏe. Nhưng mẹ đâu có nghe, nói nắng mới phải đi làm, mai mốt mưa dầm, muốn đi phát cỏ, bón phân cũng đành chịu.

Nhà nông là vậy đó, quanh năm trông trời, trông đất, trông mây để mà vui buồn. Mấy hôm sắp cấy thì mong trời râm chút, đi ra đồng cũng đỡ cực. Chứ gặp hôm nóng như nung, có người sức yếu ngất ngoài bờ ruộng chứ chẳng chơi. Tới mùa gặt, trông đứng trông ngồi sao cho trời nắng. Chỉ cần ba cái nắng to là thóc khô rang, có thể thoải mái cất vào bao. Hôm nào nhà đang phơi thóc mà gặp mưa giông thì khổ hết biết, đang ăn cơm cũng phải quăng bát, quăng đũa ở đó mà “chạy thóc” cho kịp.

Tôi nhớ hồi ấy trong làng có cụ Cót, tuổi gần 80, cả đời chỉ quanh quẩn trong làng, nên chẳng biết đường nhựa là cái chi. Thấy người ta về làm đường, rồi con cháu râm ran kể chuyện, cụ cũng vui lắm. Nhưng mới đi thử ra đường nhựa một hôm, cụ đã than sao nóng thế, chẳng mát chân như đi đường đất. Cả đời cụ chẳng mấy khi đi giày, đi dép, ấy thế mà vì cái đường nhựa, cụ phải sắm ngay một đôi dép mới.

Tháng tám, tháng chín mà có bão là tiếc nhất, bởi lúa non có cắt về nhà cũng chẳng được gì. Sau bão, chạy ra đồng mà tiếc đứt ruột gan, lúa chẳng còn cây nào đứng thẳng, dù là trổ đòng, hay ngấp nghé chín tới nơi, cánh đồng giờ mênh mông nước, không úng mới lạ.

Trẻ con đứa nào cũng thích mưa to, có bão lại càng thích, vì thế nào chẳng được nghỉ học. Mưa gió, điện đóm mất hết, ngồi trong bóng tối nghe chuyện ma mới thú vị làm sao. Đài vừa báo sắp có bão về, cả đám trẻ con đã ríu rít bàn nhau xem ngày mai, ngày kia chơi những gì. Đi học về, qua hàng tạp hóa đầu xóm, có đứa còn hớn hở mua vài cây nến. Nhà quê thường thắp đèn dầu là chính, có mấy khi thắp nến đâu. Nến cháy, đợi sáp chảy ra cũng có khối trò vui.

Thế rồi bão cũng đến, gió giật đùng đùng, rồi tới mưa trắng trời trắng đất. Sáng ra, nước đã dâng gần hết mấy bậc tam cấp, sắp vào đến trong nhà. Mấy phuy thóc ở dưới bếp, dưới nhà ngang đã được bố mẹ chuyển lên nhà trên từ khi nào. Ba gian nhà mọi ngày rộng thênh thang, nay bỗng trở nên chật chội. Mẹ lại thở dài, không biết khi nào mưa tạnh. Hai chị em nhìn nhau, giờ không đứa nào dám mong mưa với bão nữa.

Trong đám trẻ chúng tôi ngày ấy, chẳng còn mấy đứa ở lại làng. Đi xa đi gần, làm gì cũng có, đứa học giỏi thì làm bác sĩ, kỹ sư, đứa thì vào khu công nghiệp làm công nhân, đứa nào cũng sợ cái cảnh bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Nghe tin mấy hôm nữa có cơn bão tới, mấy chị em nóng ruột gọi về cho mẹ, hỏi xem hoa màu đã thu vén tới đâu…

Theo THỤY OANH (SGGPO)

 

Có thể bạn quan tâm