Vui Xuân an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày Tết, lưu lượng người và xe tham gia giao thông tăng mạnh, kèm với đó là việc người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia trở nên phổ biến hơn. Đây chính là thời điểm nhạy cảm, dễ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT). Việc đảm bảo vui Xuân an toàn, để có những ngày Tết thực sự trọn vẹn luôn là nhiệm vụ quan trọng được các cấp, ngành và địa phương đặc biệt quan tâm.

Nỗi đau ngày Tết

Nhiều vụ TNGT nghiêm trọng đã biến những cuộc vui Xuân trở thành nỗi đau tột cùng. Có khi, chỉ vì chút bốc đồng, nổi máu yêng hùng vì sẵn hơi men đã dẫn đến thảm cảnh.

 

Những ngày Xuân, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng mạnh. Ảnh: Lê Hòa

Khoảng 20 giờ 30 phút ngày mùng 2 Tết Quý Tỵ-2013, tại Km 158 quốc lộ 19 thuộc địa phận thôn 5 (xã An Phú-TP. Pleiku), xe mô tô biển kiểm soát 81B1-168.51 do Trần Quang Vinh (SN 1994), trú tại thôn 6 (xã An Phú) điều khiển theo hướng từ thị trấn Đak Đoa về TP. Pleiku. Do đã say, lại còn “chất” thêm tới 3 người phía sau, tất cả đều không đội mũ bảo hiểm, khi tới đoạn đường trên, Vinh không làm chủ được tay lái, chạy lấn đường qua đoạn cua và tông thẳng vào hông xe ô tô bồn biển kiểm soát 81K-5197 do Nguyễn Văn Hồng (SN 1970), trú tại Tây Sơn-Bình Định điều khiển, lưu thông theo hướng ngược lại. Hậu quả là Trần Quang Vinh và người ngồi sau là Đỗ Thị Linh Châu (SN 1994, trú tại thôn 5, xã An Phú) chết tại chỗ; Phan Xuân Nghĩa (SN 1994) chết sau khi đưa đến bệnh viện cấp cứu và Lê Thị Hằng bị thương nặng.

Vào lúc 14 giờ 30 phút ngày 14-2-2013 (mùng 5 Tết), tại Km 120+400m-quốc lộ 19 thuộc địa phận xã Hà Ra, huyện Mang Yang, Lê Văn Dần (SN 1973, trú tại phường Trà Bá-TP. Pleiku) điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 82K-3588 lưu thông theo hướng từ thị xã An Khê về TP. Pleiku đã xảy ra tai nạn với xe mô tô biển kiểm soát 81B-1480 do Phạm Ngọc Vương (SN 1993, trú tại thôn Châu Thành, xã Đak Ya, huyện Mang Yang) lưu thông theo hướng ngược lại, trên xe có chở thêm Nguyễn Văn Công (SN 1989), trú tại tổ 1, thị trấn Kon Dỡng, huyện mang Yang. Hậu quả, Phạm Ngọc Vương chết tại chỗ, Nguyễn Văn Công bị thương nặng và chết sau khi đưa tới bệnh viện. Nguyên nhân tai nạn được xác định do Phạm Ngọc Vương điều khiển xe không làm chủ tốc độ và Lê Văn Dần đã đi không đúng phần đường quy định.

Theo số liệu thống kê của Ban An toàn Giao thông tỉnh Gia Lai, chỉ tính riêng trong 6 ngày Tết Quý Tỵ-2013, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra 2 vụ TNGT, làm chết 4 người, bị thương 4 người. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn xảy ra 4 vụ va chạm giao thông, làm bị thương 10 người. Tuy nhiên, đây chỉ là con số các vụ được báo cáo, trên thực tế, các vụ TNGT còn cao hơn.

Chung tay vì Tết an toàn

 

Chấp hành tốt Luật Giao thông Đường bộ là cách để bảo vệ mình hiệu quả khi tham gia giao thông. Ảnh: Lê Hòa

Xác định trước, trong và sau Tết luôn là thời điểm nhạy cảm về tình hình ATGT, Tết Nguyên đán Giáp Ngọ-2014 được nghỉ khá dài (9 ngày), có nhiều lễ hội Xuân nên nhu cầu đi lại của người dân sẽ tăng cao, làm tăng khả năng quá tải về phương tiện tham gia giao thông và vận tải hành khách cũng như tăng nguy cơ về TNGT. Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết và lễ hội Xuân, Chủ tịch Ủy ban ANGT Quốc gia đã có công điện yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tăng cường phối hợp, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, cho nhân dân vui Xuân, đón Tết an toàn.

Thực hiện chỉ đạo trên, UBND tỉnh Gia Lai, Ban ATGT tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo các lực lượng liên quan: Công an tỉnh, Sở Giao thông-Vận tải, các sở, ngành thành viên Ban ATGT tỉnh, Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố tích cực phối hợp triển khai các hoạt động nhằm bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Cụ thể, Công an tỉnh, Sở Giao thông-Vận tải thành lập bộ phận thường trực phối hợp chỉ đạo đảm bảo an toàn vận chuyển  khách và kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ-2014, bố trí cán bộ trực 24/24 giờ để kịp thời chỉ đạo công tác bảo đảm ATGT trong đợt cao điểm từ ngày 25-1 đến hết ngày 9-2. Lực lượng Cảnh sát Giao thông phối hợp với các lực lượng Cảnh sát khác bố trí lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT, các lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT, như: chạy quá tốc độ quy định, vi phạm nồng độ cồn, đi không đúng phần đường, lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm…

 

Bên cạnh đó, ngành Giao thông-Vận tải địa phương phải thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan, kiểm tra việc chấp hành các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp vận tải khách, kiên quyết không để phương tiện chở quá số người quy định, không đảm bảo các điều kiện quy định về hoạt động kinh doanh vận tải xuất bến…

Trong những ngày cao điểm, Công an tỉnh, Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố phải báo cáo hàng ngày tình hình trật tự ATGT vào trước 10 giờ sáng ngày hôm sau. Riêng các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng phải báo cáo ngay những thông tin ban đầu.

Tuy nhiên, để những cuộc vui Xuân được an toàn, trọn vẹn để khởi đầu một năm mới tốt đẹp hơn, ngoài sự chung tay vào cuộc của ngành chức năng, hơn ai hết, mỗi người dân đều phải nâng cao ý thức tự bảo vệ, giữ an toàn cho chính mình khi tham gia giao thông.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm