Vùng rau mùa khô khát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Chưa năm nào thiếu nước như năm nay”-đó là câu nói quen thuộc của khá nhiều người dân tại vựa rau lớn nhất huyện Đak Pơ là xã Cư An và Tân An về tình trạng khô hạn, thiếu nước tưới phục vụ sản xuất đang diễn ra hiện nay. Cả vùng rau bốn mùa xanh ngắt màu cải, ngò, hành lá hay những giàn mướp đắng, đậu cô ve… cũng khô héo theo nắng gió của mùa khô cao nguyên…

Rau vốn là cây trồng chính của bà con xã Tân An và Cư An nhưng thời điểm này, nhiều diện tích đất ruộng trồng rau phải bỏ trống vì không đủ nước tưới. Chị Nguyễn Thị Út (thôn Tân Bình, xã Tân An) than: “Cả khu này nhà ai cũng thiếu nước hết. Nước dùng còn chẳng đủ chứ nói chi tới chuyện nước tưới rau”.

 

Nước tưới đang là vấn đề khó khăn nhất hiện nay ở vùng rau Tân An.

Ước tính, diện tích rau xanh của Tân An và Cư An hiện chỉ bằng một nửa so với các thời điểm khác trong năm. Thiếu nước tưới khiến năng suất rau màu giảm. Tại vùng rau thôn An Sơn (xã Cư An), ruộng rau trơ ra vì nắng hạn. Những giếng nước do người dân đào sẵn để tưới cứ đua nhau cạn kiệt. Nhiều hộ bỏ tiền thuê máy múc về khơi thêm giếng tốn cả chục triệu đồng mà cũng chỉ được mươi bữa rồi lại cạn ráo. “Để cứu lấy nồi cơm, nhà nào nhà nấy thi nhau đào giếng tìm nước. Khổ nỗi, cứ đào xuống 10-12 mét là gặp đá bàn, không thể đào được nữa. Nước ít, bà con lúc nào cũng sống trong cảnh chực chờ nước, mong tưới được chừng nào hay chừng ấy. Tốn công, tốn sức nhưng rồi cũng chả biết được là bao”-ông Phan An (thôn An Sơn, xã Cư An) chia sẻ.

Tìm nguồn nước tưới đã chật vật, nước sinh hoạt của bà con càng khó khăn hơn. Nhiều giếng rút hết nước, lúc tắm giặt phải rồng rắn chạy đến nhà người quen còn nước để tắm giặt nhờ. Nước ăn uống đành phải chịu tốn, mua nước tinh khiết với giá 12.000-15.000 đồng/bình. Anh Nguyễn Văn Hải (thôn Tân Sơn, xã Tân An) cho biết: “Nước ăn, nước dùng còn không có lấy đâu ra nước để trồng rau? Nước ao, giếng đều cạn, nếu còn chút ít thì cũng đục ngầu, chẳng thể ăn uống, tắm rửa gì được. Bây giờ, chúng tôi chỉ biết mong sao trời mưa để bà con có chút nước để ăn, để dùng. Năm ngoái, trời ít mưa, nhiều nhà xây bể chứa nước mưa cũng vẫn thiếu. Mua nước đóng bình, tiết kiệm lắm mỗi tháng nhà tôi cũng phải mất 10-12 bình, tốn 120-150 ngàn đồng tiền nước. Tốn kém đó mà sinh hoạt, tiêu dùng vẫn cứ phải dè sẻn, tiết kiệm. Khổ cực hết chỗ nói”.

Nằm trên dải đất phù sa màu mỡ do dòng sông Ba bồi đắp và tích tụ, hàng chục năm nay, người dân 2 xã Tân An, Cư An sống êm ấm với nghề trồng rau. Họ có thể đến từ nhiều vùng đất khác nhau, giọng nói dẫu không cùng ngữ điệu nhưng như một mối cơ duyên chung của những con người xứ lạ, bén duyên với nghề trồng rau và mặn mòi dầm dãi với nghề. Chính nhờ những đôi tay tảo tần mưa nắng, sản phẩm rau xanh của họ đã vượt qua giới hạn của lũy tre làng, đến với những miền đất xa xôi như Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế... Những ruộng rau xanh dẫu không hiếm lúc bấp bênh do giá cả thị trường nhưng đã đem lại áo cơm no đủ và chắp cánh cho bao thế hệ con trẻ Tân An, Cư An được bước đến những chân trời tươi sáng hơn.

Vùng rau Cư An, Tân An được hình thành từ khoảng năm 1954 khi người miền Bắc di cư vào đây lập nghiệp đem theo nghề trồng rau. Từ những năm 1990 trở lại đây, vùng rau phát triển mạnh, đặc biệt là khi Nhà nước đưa điện lưới về khu vực này để phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của bà con. Hiện tại, tổng diện tích rau xanh ước tính của 2 xã Tân An và Cư An gần 1.100 ha, mỗi ngày cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 200 tấn rau xanh. Thời gian qua trên địa bàn huyện Đak Pơ đã có một vài trận mưa song lượng mưa nhỏ, không đủ để giải cơn khát cho vùng rau Tân An, Cư An cũng như nhiều khu vực khác. Trước diễn biến tình hình hạn hán khó lường như năm nay, người dân sẽ còn gặp không ít khó khăn, vất vả.

Hải Lê-Cát An

Có thể bạn quan tâm