Xã hội

Gia đình

Vùng ven Pleiku khan hiếm nước sinh hoạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nguồn nước mặt, thậm chí nước ngầm đều khô cạn. Khoảng 2 tháng nay, hàng trăm hộ dân ở các xã vùng ven TP. Pleiku phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt.
Dù đã 16 giờ nhưng cái nắng vẫn như thiêu đốt. Chị Len (làng Kơtu, xã Chư Á) địu đứa con trên lưng, hết nhìn giếng nước cạnh nhà rồi lại nhìn sang chồng. Chị thở dài khẽ nói: “5 ngày nay, nhà không có nước để dùng. Nước giếng cạn hết. Chồng tôi bị đau cột sống mà mấy hôm nay phải xuống vét giếng. Thế nhưng vẫn chưa có nước. Mỗi ngày tôi phải xách xô đi xin nước ở nhà hàng xóm”. Giếng đào ấy là nơi cung cấp nước sinh hoạt chung cho 3 gia đình gồm chị Len, ông Ngưt và bà Blek. Từ đầu tháng 3 đến nay, nước giếng đã gần cạn kiệt, không còn đủ dùng.
Khoảng 2 tháng nay, chị Phàn (làng Kơtu, xã Chư Á) phải sang nhà hàng xóm xin nước về nấu ăn. Ảnh: P.V
Khoảng 2 tháng nay, chị Phàn (làng Kơtu, xã Chư Á) phải sang nhà hàng xóm xin nước về nấu ăn. Ảnh: P.V
Tương tự, gần 2 tháng nay, chị Phàn (làng Kơtu, xã Chư Á) đều đặn mỗi ngày 2 lần gùi chai lọ đến nhà anh Byư để xin nước về nấu ăn. Chiều tối, 3 mẹ con chị lại cùng đến nhờ nước tắm rửa, giặt giũ. Chị Phàn tâm sự: “Giếng nước nhà tôi bị cạn lâu lắm rồi, mọi sinh hoạt đều bị ảnh hưởng. Chồng tôi mất đã 13 năm, nhà khổ quá nên không có tiền nạo vét giếng lấy nước”.
Làng Kơtu hiện có 165 hộ thì chỉ 15 hộ có đủ nước dùng, số khác phải dè sẻn hoặc xin nước của hàng xóm. “May giếng nhà tôi trúng mạch nên không bị cạn chứ trong làng nhiều nhà không có nước dùng. Mọi người vẫn đến nhà tôi để xin nước. Đói ăn còn chịu được chứ khát nước thì không ai chịu được đâu”-anh Byư bày tỏ.
Nắng nóng kéo dài là nguyên nhân khiến nguồn nước ngầm, nước mặt đều khô cạn. Gia đình anh Nguyễn Trọng Sang (thôn 4, xã An Phú) phải bơm nhờ nước của hàng xóm để sử dụng từ sau Tết đến nay vì nước giếng cạn kiệt. “Chừng này mọi năm, nhà tôi vẫn có đủ nước sinh hoạt. Nhưng năm nay thời tiết nắng nóng nên nước giếng cũng cạn sớm. Thiếu nước khiến đời sống sinh hoạt bị ảnh hưởng nhiều lắm, ăn uống, tắm rửa, giặt giũ gì cũng khổ”-anh Sang bày tỏ. Không chỉ gia đình anh Sang, nhiều gia đình tại xã An Phú cũng rơi vào tình cảnh thiếu nước sinh hoạt kéo dài nhiều ngày nay.
Nhiều giếng đào ở làng Kơtu xã Chư Á khô cạn khiến sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: P.V
Nhiều giếng đào ở làng Kơtu xã Chư Á khô cạn khiến sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: P.V
Khoảng 1 tháng nay, gia đình chị Siu Mu (làng Nhao 2, xã Ia Kênh) cũng phải bơm nhờ nước giếng của nhà hàng xóm để tắm rửa, giặt giũ. “Riêng nước để ăn uống tôi đi lấy ở công trình cấp nước sạch ở nhà sinh hoạt cộng đồng của làng nên cũng không lo lắm. Năm nay, nước giếng cạn sớm hơn mọi năm thành ra việc sinh hoạt rất bất tiện”-chị Mu nói. Trưởng thôn Rơ Lan Yich cho hay: “Do nhu cầu tưới cà phê của người dân tăng nên mực nước giảm sút đáng kể. Nhiều giếng đào trong làng hiện đã không còn nước. Tôi vận động bà con cố gắng sử dụng tiết kiệm, chịu khó tích trữ, đi lấy nước ở hệ thống nước sạch được Nhà nước lắp đặt về dùng”.
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt chủ yếu tập trung ở các làng dân tộc thiểu số bởi đa phần người dân còn dùng giếng đào và hệ thống nước tự chảy, chưa có nước máy. Hiện hàng trăm hộ dân vùng ven thành phố đang phải “sống chung” với những khó khăn, bất tiện do thiếu nước. Bà Nguyễn Thị Hiệp-Chủ tịch UBND xã An Phú-cho hay: Xã vận động bà con sử dụng nước tiết kiệm và san sẻ giúp đỡ lẫn nhau. Xã cũng đã đề xuất UBND TP. Pleiku hỗ trợ khoan giếng tại 3 thôn, làng trên địa bàn để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân.
PHƯƠNG VI

Có thể bạn quan tâm