Vươn lên sau lầm lỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, một số đối tượng cầm đầu, cốt cán tà đạo “Hà Mòn” có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật đã bị bắt và chịu bản án nghiêm khắc của pháp luật. Một số đối tượng khác mắc mưu bọn phản động theo tà đạo lẩn trốn ngoài rừng cũng đã về trình diện chính quyền và được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước. Mỗi người có một hoàn cảnh riêng nhưng điểm chung là họ đã vượt qua mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng, chăm lo lao động sản xuất, vươn lên trong cuộc sống.
Mới đây, chúng tôi theo chân cán bộ Đội An ninh Công an huyện Đak Pơ đến gặp Đinh Lứ (43 tuổi, trú tại làng Kuk Kôn, xã An Thành, huyện Đak Pơ, Gia Lai). Đón chúng tôi với tâm trạng vui vẻ, cởi mở, Lứ không ngần ngại kể về những năm tháng lầm lỡ của mình. Năm 2008, Lứ nghe theo lời các đối tượng cầm đầu tà đạo “Hà Mòn” như A Tách, A Hyum… tham gia tuyên truyền lôi kéo dân làng bỏ lao động sản xuất theo tà đạo này và có nhiều hoạt động sai trái, gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc. Bị phát hiện, Lứ cùng các đối tượng vẫn ngoan cố trốn ra rừng hoạt động. Đầu năm 2012, Lứ bị bắt và bị Tòa án nhân dân tỉnh xử phạt 7 năm tù.
Cán bộ Đội An ninh Công an huyện Đak Pơ động viên Đinh Lứ chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: N.H
Những ngày chấp hành án phạt tại trại giam của Bộ Công an ở tỉnh Thanh Hóa, đêm đến, Lứ không ngủ được vì nhớ thương vợ con, ân hận với việc làm sai trái của mình. Những lúc như thế, Lứ được cán bộ quản giáo động viên, giúp đỡ. Với mong muốn sớm được trở về đoàn tụ với gia đình, Lứ luôn chấp hành tốt nội quy của trại giam, nỗ lực phấn đấu trong lao động, cải tạo. Tháng 5-2018, Lứ được tha tù trước thời hạn. “Được cán bộ quản giáo giáo dục, tôi biết cái sai của mình. Tôi đã từ bỏ tà đạo, chăm lo làm ăn phát triển kinh tế gia đình. Tôi mong những ai còn theo tà đạo nên từ bỏ vì đó là việc làm sai trái với gia đình, bà con dân làng và pháp luật”-anh Lứ tâm sự.
Cách nhà Lứ không xa, Đinh Bro (35 tuổi, trú cùng làng) cũng đã từ bỏ tà đạo để chăm lo làm ăn phát triển kinh tế gia đình. Hàng ngày, Bro và vợ lên rẫy trồng mì, lúa, bắp... Anh cho biết, dù kinh tế gia đình không khá giả nhưng cũng đủ ăn.
Được hỏi về những ngày tháng theo tà đạo “Hà Mòn”, Bro không giấu được nỗi buồn. Bro kể, năm 2010, anh nghe lời các đối tượng cầm đầu tà đạo trốn ra rừng hoạt động, đẩy gia đình vào cảnh khốn cùng, một mình vợ phải bươn chải nuôi 6 đứa con. Năm 2012, cơ quan Công an phối hợp vận động Bro quay về. Được giáo dục, cảm hóa, Bro nhận thấy việc làm sai trái của mình và quyết tâm từ bỏ tà đạo. Anh Bro cho biết: “Sống trong rừng khổ lắm, cơm không có ăn, chỉ đi kiếm cây, củ để ăn thôi. Tôi mong những ai còn theo tà đạo trốn trong rừng nên trở về trình diện để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Theo tà đạo chẳng được lợi ích gì, chỉ mang đến nỗi khổ cho vợ con mình thôi”.
Tại huyện Mang Yang, các đối tượng từng theo tà đạo “Hà Mòn” trốn ra rừng được cơ quan Công an và chính quyền địa phương vận động cũng nhận thấy sự vô nghĩa của những tháng ngày sống lang thang, đói khát ngoài rừng nên đã quay về trình diện, được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Nhờ sự động viên, giúp đỡ của chính quyền địa phương, bà con dân làng, họ đã từng bước ổn định cuộc sống. Một trong số đó là Brun (36 tuổi, làng Kdùng, xã Hà Ra, huyện Mang Yang). Trước đó, khi kẻ xấu lừa phỉnh, thêu dệt về “Đức mẹ hiện hình” nhằm âm mưu tập hợp lực lượng thành lập cái gọi là “Nhà nước riêng của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên”, Brun cùng một số người trong làng đã nhẹ dạ tin theo. Họ bỏ lao động, tụ tập cầu nguyện nhảm nhí. Không lâu sau, tà đạo này bị tẩy chay. Năm 2012, Brun cùng một số đối tượng trốn ra rừng, mục đích duy trì hoạt động tà đạo “Hà Mòn”. Sau nhiều lần được cơ quan Công an phối hợp vận động, tháng 6-2018, Brun về làng trình diện. Được sự động viên của chính quyền và dân làng, Brun chăm chỉ trồng mì, bời lời... Thời gian rảnh rỗi, anh đi thu hoạch mía thuê để có thêm thu nhập. Vừa qua, được bà con trong làng giúp đỡ, Brun đã xây dựng được căn nhà khang trang trị giá hơn 150 triệu đồng. Brun tâm sự: “Trở về làng, tôi được chính quyền, dân làng giúp đỡ nên dựng được căn nhà mới, vợ và con rất mừng. Tôi sẽ chăm lo sản xuất để phát triển kinh tế gia đình và tuyệt đối không tin theo tà đạo “Hà Mòn” nữa”.
Nói về công tác đấu tranh xóa bỏ tà đạo “Hà Mòn” trên địa bàn, Trung tá Trần Quang Thống-Phó Trưởng Công an huyện Mang Yang-cho biết: Những đối tượng từng theo tà đạo “Hà Mòn” được giáo dục nên đã nhận ra việc theo tà đạo không mang lại lợi ích gì mà chỉ gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Vì vậy, hầu hết mọi người đã từ bỏ tà đạo. Đặc biệt, một số người đã tập trung phát triển kinh tế gia đình. Họ được chính quyền địa phương, các ban, ngành chức năng của huyện mời tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi bò, heo, gà; trồng và chăm sóc các loại cây như mía, mì... Nhiều người sau đó mạnh dạn đầu tư sản xuất nên kinh tế gia đình đã khá giả. Hiện vẫn còn một vài đối tượng theo tà đạo trốn ra rừng hoạt động. Tổ công tác của Công an huyện vẫn đang phối hợp với chính quyền cơ sở, chức sắc các tôn giáo trên địa bàn tiếp tục tuyên truyền, vận động giúp họ quay về ổn định cuộc sống.
 NGUYỄN HỮU

Có thể bạn quan tâm