Trên đỉnh Ngọc Linh hùng vĩ cao hơn 2.000 m, một 'vương quốc' sâm Ngọc Linh hàng trăm héc ta đã hiện diện vài chục năm nay
Vườn sâm Ngọc Linh dưới tán rừng già. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Trừ những công nhân trồng sâm thì với hầu hết mọi người, ngay cả với những người sống dưới chân núi, vườn sâm này luôn bí ẩn.
3 lần lên vườn sâm
Từ phố núi Kon Tum, chúng tôi vượt cả trăm cây số ngược đường lên vùng đại ngàn Tu Mơ Rông xanh thẳm. Mùa này, Tây nguyên mưa rấm rứt cả ngày đêm. Sáng, sương mờ mặt đất, mặt người, quấn vào chân và cái lạnh se se như thấm vào cả tâm can. Cánh phóng viên ở bắc Tây nguyên, không phải ai cũng được lên vườn sâm trên đỉnh Ngọc Linh để tận hưởng không khí, nhìn tận mắt lá, thân và củ sâm. Mỗi lần đến H.Tu Mơ Rông, nhờ lãnh đạo huyện đưa đi vườn sâm trên đỉnh núi nhưng đều nhận cái "lắc đầu". Dễ hiểu, bởi họ dù là lãnh đạo huyện, công tác nhiều năm nhưng cũng chưa bao giờ đến được vườn sâm. Lần này được đi với lãnh đạo tỉnh Kon Tum, là lần thứ ba chúng tôi lên vườn sâm.
Ấn tượng nhất vẫn là lần đầu tiên vào tháng 5.2011. Khi ấy không ai biết ông chủ vườn sâm này âm thầm trồng sâm Ngọc Linh. Đến khi ông công bố vườn sâm thì mời lãnh đạo tỉnh và cánh phóng viên đi chứng kiến. Hồi đó, phải cuốc bộ 4 tiếng mới đến vườn. Đoàn người năm đó lặng lẽ vượt đèo dốc. Đến khi nghe ông chủ vườn sâm thông báo đã tới nơi, nhiều người ồ lên sung sướng: nghe nói sâm Ngọc Linh nhưng nay mới tận mắt thấy.
Dạo bước giữa vườn sâm, đồng nghiệp chúng tôi cứ trầm trồ: "Thật không ngờ. Đúng là vô giá". Vậy là sâm Ngọc Linh đã thoát khỏi cảnh mất giống trong bối cảnh sâm tự nhiên bị tận diệt, đến cả rừng sâu cũng tìm mờ mắt không ra. Lúc ấy, “vương quốc” sâm này rộng 140 ha, sinh trưởng và phát triển trong môi trường hoàn toàn tự nhiên.
Lần thứ hai, chúng tôi được ông A Sỹ, một cán bộ địa phương và là người được giao quản lý vườn sâm, đưa đi tham quan. Hồi đó, chúng tôi không vào sâu được trong vườn sâm, mà ở ngoài rìa, vì trời tối.
Còn lần thứ ba này, hành trình được rút ngắn, nhờ con đường bê tông đã được xây dựng lên đến tận khu vườn sâm nên chỉ mất vài chục phút đi mô tô và ô tô. Để bảo vệ nghiêm ngặt vườn sâm quý, suốt dọc đường lên vườn đều có những chốt, chòi canh. Khi đi giữa các luống sâm, chúng tôi luôn được giám sát chặt chẽ bởi con mắt của các nhân viên. Họ vừa dẫn khách tham quan, giới thiệu nhưng có lẽ cũng là để canh chừng.
Cây sâm Ngọc Linh |
Tâm huyết vườn sâm
Ông A Sỹ, hiện là Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri, H.Tu Mơ Rông, cho biết sâm trồng ở đây đã lên 300 ha. Gọi là sâm Ngọc Linh trồng, nhưng thực chất nó sinh trưởng và phát triển trong môi trường hoàn toàn tự nhiên. Ban đầu, củ sâm giống được trồng, chăm sóc, sau đó ra hoa, kết hạt; khi hạt rụng, cây con mọc lên. Sau này, khi cây đã mọc nhiều rồi, công nhân sẽ gom hạt, gieo ươm sâm giống. Tuyệt đối không có sự can thiệp của công nghệ vào quá trình sinh trưởng của sâm. Như vậy, sâm ở đây vẫn giữ nguyên giá trị y, dược học của mình.
Quan sát vườn sâm Ngọc Linh, thấy các luống sâm được rào, che chắn phía trên và dưới cẩn thận bằng lớp lưới nhằm bảo vệ sự tấn công của chuột và đề phòng mưa lớn làm cho lá hoa bị rụng, hư hỏng. Tất cả các luống sâm được đánh số cụ thể để tiện quản lý, theo dõi sự phát triển. Theo ông A Sỹ thì việc trồng sâm không nhọc nhằn lắm. Vì cây sâm sống hoàn toàn theo tự nhiên, ít chăm bón, chỉ tốn công nhổ cỏ, phủ mùn, bảo vệ kẻ gian, chuột, chim phá hoại.
Việc trồng sâm rất phù hợp với tập quán canh tác của đồng bào Xê Đăng nơi đây. Hằng ngày, các lao động phát dọn cây con, đào chặt gốc rễ cây, dọn sạch mặt đất, xẻ luống dọc theo sườn núi rồi bóc lớp mùn phủ lên từng luống một để tăng độ phì nhiêu cho đất. Những chỗ độ mùn thấp, công nhân phải leo lên đỉnh núi, nơi rừng bằng phẳng hốt mùn từ lớp lá cây, gỗ mục mang về trồng sâm. Nhờ vậy, vườn sâm rộng lớn giờ đã chia thành chục khu vườn nhỏ khác nhau, có gần 300 lao động là đồng bào Xê Đăng ở hai xã Măng Ri và Tê Xăng đang chăm sóc, bảo vệ.
Có được vườn sâm quý hàng trăm héc ta có một không hai của cả nước như hôm nay là hành trình gian nan và tâm huyết hàng chục năm của ông Trần Hoàn. Khởi đầu đam mê sâm Ngọc Linh từ năm 1998 - 1999, bao nhiêu vốn liếng đầu tư, vui buồn với những ngày cây lớn lên ra hoa, kết trái; truy tìm mua giống sâm từ người Xê Đăng... Trò chuyện về sâm Ngọc Linh, ông Hoàn luôn nói một cách say mê. Rằng sâm Ngọc Linh là cây không thể tách rời khỏi rừng, muốn trồng sâm phải giữ được rừng.
Hàng chục năm gian nan tâm huyết với sâm Ngọc Linh, ông Hoàn đã làm được nhiều việc: giữ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên của rừng Ngọc Linh để trồng sâm, bảo tồn và phát triển nguồn gien quý sâm Ngọc Linh; đồng thời giúp đỡ, vận động hàng trăm người dân địa phương từ bỏ việc phá rừng làm rẫy vào làm việc cho vườn sâm Ngọc Linh. Bây giờ, sâm Ngọc Linh đã có thể bán ra thị trường, nhưng ông Hoàn vẫn chưa muốn bán. Nguyện ước của ông là lấy hạt tiếp tục trồng, nhân rộng sâm trên đỉnh Ngọc Linh và một phần cung cấp giống cho người Xê Đăng ở đây cùng hưởng lợi.
Trắng đêm đuổi chuột, phòng trộm
Ông A Sỹ cho biết, từ tháng 4 đến tháng 6 âm lịch, lao động trong vườn phải thức trắng đêm với sâm. Bởi thời điểm này sâm Ngọc Linh ra hoa, kết trái, thì lũ chuột rừng lại kéo ra hàng đàn để đột nhập các vườn sâm, nhấm nháp hạt sâm. Để đuổi các vị khách không mời này, một bộ phận lao động "ngủ ngày cày đêm". Nghĩa là ngủ cả buổi sáng, đến chiều đi làm bẫy, hái lá thông và cắt các bao ni lông để bọc trái sâm chống chuột. "Nếu không canh giữ thì hạt sâm sẽ bị chuột phá hết, không còn hạt giống để ươm trồng", ông A Sỹ nói.
Ngoài các vị "khách không mời" nói trên, ông A Sỹ còn chỉ cho chúng tôi hàng loạt chòi canh dựng lên. Lao động ở đây được phân theo tổ, nhóm thay nhau chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ cả ngày lẫn đêm, phòng trộm cắp. Tại các luống sâm đều có nhiều bẫy chông dày đặc được ngụy trang rất khó phát hiện. Chỉ những người trực tiếp làm mới biết, vì vậy, những người lạ vào không biết rất dễ “dính” bẫy. Do đó, khi ông A Sỹ dẫn chúng tôi đi thăm vườn sâm, hay nhắc nhở đi đúng chỗ, nếu không sẽ dễ sụp bẫy.
Theo ông A Sỹ, việc canh giữ sâm cũng khá vất vả, bởi hiện tại sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao và giá lại khá đắt, vì vậy, nếu không có biện pháp canh giữ cẩn thận, rất dễ xảy ra tình trạng trộm cắp.
Để người công nhân toàn tâm toàn ý với công việc, ngoài việc trả lương hằng tháng, cung cấp thực phẩm cho gia đình công nhân, hằng năm những người làm việc tích cực được Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum thưởng 100 cây giống làm của riêng để phát triển diện tích sâm gia đình. Ngoài ra, công ty cũng chọn việc hình thành các tổ nhóm để tự bảo vệ, giám sát nhau, nếu ai trộm cắp sẽ bị chính người trong nhóm loại bỏ, đuổi việc. Vì vậy, ở khu vực vườn sâm của công ty, công nhân luôn tận tâm, hết lòng vì cây sâm quý này.
Phạm Anh-Hoàng Ngọc Hải (Thanh Niên)