Vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo yêu cầu thì tỉnh Gia Lai phải bàn giao mặt bằng sạch cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV) thi công dự án đầu tư xây dựng kéo dài đường hạ cất cánh, đường lăn và sân đỗ máy bay Cảng Hàng không (CHK) Pleiku vào cuối tháng 5-2014. Tuy nhiên dù đã quyết liệt chỉ đạo và triển khai song tình hình đã không theo kịp tiến độ. Vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng-khâu đầu tiên-khiến dự án đã chậm hơn so với dự kiến ban đầu.

 Hiện trạng khu vực đất bị thu hồi tại xã Ia Băng. Ảnh: Thất Sơn
Hiện trạng khu vực đất bị thu hồi tại xã Ia Băng. Ảnh: Thất Sơn

Triển khai thực hiện dự án, UBND tỉnh đã có Thông báo số 54/TB-UBND ngày 19-6-2014 về chủ trương thu hồi đất để bố trí cho các đơn vị quân đội nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng dự án. Vị trí đất thu hồi cụ thể tại địa bàn xã Ia Băng, huyện Đak Đoa với diện tích 27,27 ha. Tỉnh chỉ đạo UBND huyện Đak Đoa tổ chức khảo sát đo đạc, thống kê, lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư (ĐBGPMB, TĐC) cho nhân dân theo quy định của pháp luật hiện hành; đồng thời công khai thông báo nói trên tại trụ sở UBND xã Ia Băng và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất bị thu hồi để nhân dân biết và thực hiện. Sau hơn 1,5 tháng, các bộ phận liên quan đã thực hiện niêm yết công khai Thông báo của UBND tỉnh tại UBND xã Ia Băng, khu dân cư thôn Hàm Rồng, O Yố và thôn 6 của xã; tiến hành thu hồi đất của 12 hộ dân trong phạm vi dự án tại Quyết định số 1174/QĐ-UBND ngày 23-6-2014, diện tích 48.990 m2 (900 m2 đất ở, 48.090 m2 đất nông nghiệp). Hội đồng ĐBGPMB, TĐC thông báo kế hoạch thu hồi đất chi tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức khảo sát đo đạc, thống kê, lập phương án ĐBGPMB, TĐC cho các hộ bị ảnh hưởng của dự án.  

Có mặt tại hội trường UBND xã Ia Băng sáng 30-7, chúng tôi chứng kiến buổi làm việc thông báo giá đền bù lần thứ nhất giữa Hội đồng đền bù và 13 hộ dân trong diện thu hồi đất. Theo ông Cao Văn Nông-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đak Đoa, chủ trì cuộc họp: Lần thông báo này chỉ thực hiện với những hộ đã có chứng nhận quyền sử dụng đất; số mua bán trao tay, giấy tờ không hợp lệ (khoảng 8 hộ) sẽ tiến hành trong đợt sau). Trước đó, bộ phận chuyên môn đã 2 lần tiến hành đo đạc, xác định vị trí, diện tích đất cùng với sự có mặt của các hộ trong diện có đất bị thu hồi.

Nhìn chung không khí cuộc họp thông báo giá đền bù giữa Hội đồng đền bù và hộ có đất bị thu hồi diễn ra khá căng thẳng. Các hộ ủng hộ chủ trương thực hiện dự án vì nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh nhưng chưa thuận với chính sách ĐBGPMB, TĐC. Ông Nguyễn Sơn có 2.000 m2 đất trong diện bị thu hồi cho rằng mức bồi thường phần có bìa đỏ (60 m2) giá 21 triệu đồng là quá thấp. Đại diện hộ ông Nguyễn Dinh có trên 800 m2 đất bị thu hồi, được áp giá chỉ trên 60 triệu đồng cũng không bằng lòng, trong khi bìa đỏ đang thế chấp ngân hàng được thẩm định và cho vay 200 triệu đồng. Vợ chồng ông Bình-bà Mai (có đất bị thu hồi) cũng cho rằng Hội đồng đền bù áp giá quá thấp, trong khi giá đất khu vực cận kề đất thu hồi có giá 30 triệu đồng đến 35 triệu đồng/mét tới (mặt đường). Luật Đất đai mới đây quy định đất thu hồi thực hiện dự án phải được đền bù thỏa đáng, nếu TĐC thì nơi ở mới phải hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Vì vậy, Hội đồng đền bù, cấp thẩm quyền xem xét áp dụng để dân không bị thiệt thòi.

Nói về khó khăn vướng mắc, ông Lê Viết Phẩm-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa cho biết: Quá trình triển khai ĐBGPMB theo quy định Luật Đất đai năm 2013, Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đã gặp vướng mắc. Diện tích đất thu hồi lớn, đất mua đi bán lại nhiều lần bằng giấy viết tay qua nhiều chủ nên rất khó khăn khi tìm, xác định chủ sử dụng đất, tuy vất vả nhưng chưa là vấn đề lớn. Quan trọng là UBND tỉnh chưa ban hành quy định cụ thể mức hỗ trợ hộ có đất bị thu hồi (chưa thay thế Quyết định 05a/ 2011/QĐ-UBND ngày 25-4-2011 nên chưa thể xây dựng phương án đền bù chi tiết). Thời gian thu hồi đất theo chỉ đạo của UBND tỉnh so với Luật Đất đai mới cũng là áp lực lớn đối với địa phương.

Từ đó, UBND huyện Đak Đoa đề xuất tỉnh sớm ban hành quy định bổ sung kịp thời; chỉ đạo UBND TP. Pleiku cùng UBND huyện Đak Đoa phối hợp thực hiện giải tỏa đền bù, thu hồi đất dự án; cho phép huyện xây dựng phương án ĐBGPMB, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất phù hợp. 

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm