Phóng sự - Ký sự

Vượt qua lằn ranh sinh tử: Cứu sống bệnh nhân chính là liều thuốc tinh thần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chưa bao giờ tôi hình dung được mình và đồng nghiệp có ngày lại phải đối diện với một cuộc chiến khốc liệt như thế. Chúng tôi ra trận mà kẻ thù ở ngay xung quanh nhưng không nhìn thấy được.
Năm 2021 đầy giông bão đã qua đi, nhưng chúng ta - những người đang sống trong thời bình có lẽ sẽ không bao giờ quên cuộc chiến khốc liệt với dịch bệnh Covid-19. Một cuộc chiến không tiếng súng nhưng cam go và đầy mất mát, đau thương.
Sau TP.HCM, miền Tây cũng nhanh chóng trở thành điểm nóng của trận chiến chống Covid-19. Tháng 7.2021, ca nhiễm Covid-19 cộng đồng đầu tiên ở Cần Thơ được phát hiện, rồi dịch nhanh chóng lan ra thành phố.
Từ Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang…, các ca nhiễm Covid-19 cũng tăng nhanh từng ngày. Là một bác sĩ của Khoa Hồi sức tích cực - chống độc của Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, tôi hiểu rằng Covid-19 có thể sát hại bất cứ ai và chúng tôi chính là chiến sĩ ở tuyến đầu, có trách nhiệm ngăn chặn nó, cứu chữa người bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Du đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng tại Trung tâm hồi sức quốc gia điều trị Covid-19. Ảnh: Đình Tuyển
Lên đường chống dịch giữa lúc con thơ bị nạn
Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, nơi tôi công tác là bệnh viện tuyến cuối trực thuộc Bộ Y tế tại ĐBSCL nên được giao nhiệm vụ kép: Vừa phải chống dịch vừa phải đảm bảo tiếp nhận, điều trị các ca bệnh nặng từ các tuyến chuyển về.
Ban giám đốc bệnh viện đã phải chia bệnh viện thành 2 chiến tuyến. Vừa phải phòng chống dịch Covid-19, vừa phải tiếp nhận các ca cấp cứu nặng từ bệnh viện tuyến dưới chuyển lên. Áp lực là vô cùng nặng nề, đặc biệt là với các bác sĩ hồi sức như tôi.
Không chỉ vậy, ngay thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng nhất ở miền Tây, Bộ Y tế có chỉ đạo Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cử cán bộ có chuyên môn về thở máy và lọc máu liên tục để hỗ trợ tuyến trước. Tôi xung phong ra trận vì đó là chuyên môn của tôi.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Du đang thăm khám bệnh nhân tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ. Ảnh: Đình Tuyển
Thế nhưng ngày nhận lệnh sang tăng cường cho Bệnh viện đa khoa Sa Đéc (Đồng Tháp), tôi thực sự rối bời vì trước đó không lâu, cu con 5 tuổi của tôi chẳng may bị nạn. Cháu bị té trên lầu 1 xuống đất gãy xương đùi hoàn toàn, phải bó bột từ mông đến gót chân một tháng rưỡi. Cháu sẽ mất ít nhất 3 tháng để lành xương và tập đi bằng khung sắt.
Tôi hiểu rằng con đang rất cần sự chăm sóc của tôi, nhưng ngoài kia cũng là lúc chuyên môn của mình cần phát huy nhiều nhất. Cũng may vợ tôi là người rất hiểu nghề của chồng nên đã không quản ngại khó khăn, động viên tôi lên đường. Tôi nhờ thêm ba mẹ ở quê lên để phụ chăm sóc và cũng để yên tâm phần nào.
Mang ba lô lên đi, thực sự nhói lòng, rơi nước mắt, thương con bị nạn, mình là bác sĩ nhưng lại không chăm sóc được con. Nhưng tình cảnh lúc đó không cho mình lựa chọn. Tôi được phân công là trưởng đoàn hỗ trợ nên càng phải nêu cao tinh thần cho anh em.
Đối mặt với đợt dịch bệnh đầu tiên tại Đồng Tháp là những giờ làm việc không kể thời gian. Có những đêm tôi và anh em thức trắng để hỗ trợ những bệnh nhân diễn tiến nặng, những bệnh nhân đầu tiên được can thiệp kỹ thuật lọc máu liên tục, nhằm chống lại cơn bão Cytokine có thể cướp đi tính mạng của bệnh nhân bất cứ lúc nào.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Du. Ảnh: Đình Tuyển
Ca ECMO cứu cả mẹ và con
Một tuần ở Bệnh viện đa khoa Sa Đéc, tôi hầu như không thể gọi điện về nhà vì toàn bộ thời gian là bị cuốn theo công việc. Chúng tôi phải tập trung cao độ cho công việc tổ chức, hình thành và thúc đẩy hoạt động khu hồi sức Covid-19 để điều trị bệnh nhân thở máy và tiến hành kỹ thuật lọc máu liên tục. Vì đây là kỹ thuật cao đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 mức độ nặng và nguy kịch, mà đơn vị bạn còn nhiều khó khăn trong việc can thiệp cho bệnh nhân.
Chính từ cơ sở này, các bệnh nhân Covid-19 nguy kịch đã được hỗ trợ hô hấp bằng các máy thở hiện đại, tuân thủ các quy trình chăm sóc theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các ca can thiệp lọc máu liên tục đầu tiên được khởi động để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nguy kịch và mang lại hiệu quả góp phần giảm rõ áp lực bệnh nặng cho địa phương.
Từ Đồng Tháp, chúng tôi cũng thiết lập mối liên kết chặt chẽ với Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ. Các bệnh nhân Covid-19 nặng bắt đầu được điều phối và liên kết điều trị với các bệnh viện lân cận.
Tôi nhớ, hôm đó, tiếp nhận một thai phụ trẻ tuổi bị nhiễm Covid-19 ngay ở cuối thai kỳ, chỉ còn không bao lâu nữa đứa trẻ chào đời. Bệnh tiến triển suy hô hấp rất nặng, phải đặt nội khí quản và thở máy thông số cao, có nguy cơ đe dọa tính mạng của cả mẹ lẫn thai nhi.
Lúc đó, tôi được phân công hỗ trợ khám và định hướng điều trị. Tình cảnh rất khó khăn, suy hô hấp quá nặng, nếu chuyển đi sẽ có nguy cơ tử vong trên đường đi, nhưng không chuyển thì cũng không thể can thiệp gì hơn, và nguy cơ mẹ con thai phụ cũng khó qua khỏi.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Du (bìa trái) chia tay đồng nghiệp sang tăng cường cho Bệnh viện đa khoa Sa Đéc, Đồng Tháp. Ảnh: Đình Tuyển
Đứng trước tình cảnh khó khăn, chúng tôi đã hội chẩn với Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ và đi đến quyết định chuẩn bị điều kiện chuyển viện tốt nhất cho bệnh nhân. Suốt hành trình chuyển ca bệnh, cả ê kíp đều lo lắng dõi theo rồi vỡ òa khi bệnh nhân an toàn về đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Thai phụ lập tức được cấp cứu mổ lấy thai, sau đó tiến hành can thiệp ECMO, kỹ thuật cao ô xy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể. Đó cũng là bệnh nhân Covid-19 đầu tiên được can thiệp kỹ thuật ECMO tại bệnh viện này. Kết quả cả hai mẹ con sản phụ đều vượt qua cửa tử, được trở về gia đình với sự vui mừng không thể diễn tả của gia đình và cả chúng tôi.
Nặng nề nhất không phải là áp lực công việc
Sau hơn 1 tuần hỗ trợ Đồng Tháp, khi đoàn cán bộ của Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế vào Bệnh viện đa khoa Sa Đéc chi viện, 50% nhân lực trong đoàn gồm có tôi được điều động về lại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ. May mắn đó cũng là lúc tôi vừa hoàn thành mục tiêu hỗ trợ kỹ thuật thở máy và bàn giao kỹ thuật lọc máu liên tục cho đơn vị bạn.
Quay lại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, tôi cũng không thể về nhà, vậy là ở luôn trong Trung tâm hồi sức quốc gia điều trị Covid-19 để tham gia công tác điều trị trực tiếp cho các bệnh nhân F0 nặng và nguy kịch. Biền biệt hơn 2 tháng không được về nhà dù đường về không bao xa.
Nhiều lúc công việc căng thẳng đến mức ngột ngạt tưởng chừng không thở nổi. Bệnh nhân chuyển nặng nhập vào trung tâm liên tục. Nhân viên y tế của trung tâm luôn căng mình để chăm sóc và điều trị bệnh nhân, an ủi họ trong những lúc suy yếu nhất cả về thể chất lẫn tinh thần. Cuộc sống thực sự quá mong manh.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Du (bên trái) nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong công tác chống dịch Covid-19 năm 2021. Ảnh: Đình Tuyển
Ở trong cuộc chiến Covid-19, chứng kiến sự tàn khốc của dịch bệnh nhưng với tôi và đồng nghiệp, khó khăn lớn nhất không phải là các áp lực công việc đó, mà là nỗi đau mỗi khi không thể giữ được tính mạng bệnh nhân. Có những thời điểm số lượng bệnh nhân nguy kịch tăng đột biến khiến tâm lý chúng tôi nặng nề hơn bao giờ hết. Nhiều lúc kiệt sức bởi các đêm trực thức trắng.
Nhiều lúc kiệt sức bởi các đêm trực thức trắng. Nhưng ở bên ngoài, đồng nghiệp của tôi ở những khoa, phòng khác cũng áp lực không kém khi vừa phải đảm bảo an toàn chống dịch, vừa tiếp nhận cấp cứu, điều trị bệnh cho người dân miền Tây. Với áp lực khủng khiếp ấy, anh em trong Trung tâm đều luôn phải tự nhủ không được mất tinh thần, phải cố gắng cứu sống bệnh nhân bằng tất cả những gì có thể.
Giờ đây, khi đang tranh thủ viết những dòng này, tôi và đồng nghiệp ở Trung tâm hồi sức quốc gia điều trị Covid-19 của Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ vẫn đang phải nỗ lực từng phút, từng giây để điều trị cho bệnh nhân. Mỗi ca bệnh được cứu sống chính là liều thuốc tinh thần cho chúng tôi, những vất vả, mệt nhọc vì thế cũng vơi đi.
Theo Bác sĩ Nguyễn Hoàng Du (TNO)

Có thể bạn quan tâm