Xã Ia Le phòng-chống các hoạt động của FULRO

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xã Ia Le (huyện Chư Pưh) giáp ranh với huyện Phú Thiện và huyện Ea HLeo (tỉnh Đak Lak). Toàn xã hiện có hơn 2.300 hộ với trên 12.000 khẩu sinh sống ở 15 thôn, làng, trong đó có khoảng 40% dân số là người Jrai. Lâu nay, xã Ia Le vẫn luôn là một trong những trọng điểm phức tạp về trật tự-an ninh của huyện Chư Pưh. Từ năm 2010 đến hết năm 2016, xã có hơn 80 người bỏ trốn khỏi địa phương, vượt biên sang Campuchia, Thái Lan... “Thế nhưng từ đầu năm đến nay, trong xã không có người vượt biên. Tuy vậy, các đối tượng FULRO lưu vong vẫn liên lạc lôi kéo bà con tham gia các hoạt động “Tin lành Đê-ga”... Cán bộ xã đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành giúp đỡ bà con yên tâm làm ăn, cải thiện đời sống, cảnh giác trước những âm mưu của bọn phản động, thực hiện tốt phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”-ông Nguyễn Đình Đức-Trưởng Công an xã Ia Le cho biết.

Diễn đàn Công an xã Ia Le lắng nghe ý kiến nhân dân. Ảnh: H.M
Ông Lưu Trung Nghĩa-Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh: Huyện Chư Pưh vẫn tăng cường các nguồn lực về cơ sở, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là việc giáo dục nâng cao nhận thức, cải thiện đời sống cho bà con người địa phương. Hiểu rõ vấn đề, thấy rõ những việc làm thực tế, có việc làm ổn định, bà con sẽ yên tâm xây dựng quê hương, không có tư tưởng vọng ngoại, không phát sinh phức tạp tiêu cực, không có những hoạt động FULRO, “Tin lành Đê-ga”...

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 09 ngày 1-12-2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI, Đảng bộ xã đã tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong tình hình mới, phòng-chống các hoạt động FULRO, “Tin lành Đê-ga”, lừa phỉnh bà con đồng bào dân tộc thiểu số vượt biên sang Campuchia, Thái Lan... Cán bộ xã Ia Le, nhất là Ban Công an xã và Ban Chỉ huy Quân sự xã luôn tích cực phối hợp với cán bộ các cấp, các ban, ngành bám sát địa bàn, hướng dẫn bà con giúp đỡ lẫn nhau cải tạo vườn tạp, nuôi trồng các loại cây-con mang lại hiệu quả kinh tế cao; không nghe và không làm theo lời kẻ xấu, mạnh dạn tố giác tội phạm, cùng nhau giải quyết hiệu quả các vụ việc phức tạp về an ninh chính trị... Từ những việc làm thường nhật trong các thôn, làng, cán bộ các cấp đã quản lý khá tốt nhân hộ khẩu, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con và giải quyết thấu đáo những mâu thuẫn, bức xúc ngay tại cơ sở, không để phát sinh các “điểm nóng” phức tạp về trật tự-an ninh, an toàn xã hội. Nhờ vậy mà nhiều vụ việc hiểu nhầm, xâm lấn đất rừng, tranh chấp đất đai, trộm cắp tài sản, mâu thuẫn cá nhân ở các làng: Puối A, Puối B, Kênh Săn, Kênh Mek... đã được giải quyết ổn thỏa, tránh những thiệt hại không đáng có cho bà con, tránh những thông tin thất thiệt để kẻ xấu lợi dụng.  

Trong các cuộc họp, diễn đàn, lễ hội, bà con người dân tộc thiểu số, nhất là những người từng bị kẻ xấu kích động đi vượt biên nay trở về với dân làng đã thẳng thắn nói lên sự thật về những thủ đoạn của kẻ xấu, về những nỗi khổ khi vượt biên. Đó là những tháng ngày sống lay lắt trên đường đi hay trên đất Campuchia, Thái Lan. Bà con thiếu thốn tình cảm, không có việc làm, sống khổ cực đói khát. Được Đảng, Nhà nước quan tâm và bà con giúp đỡ, từ năm 2010 đến nay, đã có hơn 40 người ở xã Ia Le trở về đoàn tụ với gia đình, ổn định cuộc sống. Già làng Rơ Mah Chưch-làng Kênh Săn bộc bạch: “Làng mình có nhiều người trốn đi theo kẻ xấu. Ở nước ngoài nhiều tháng đói khổ, không có nhà ở, không có việc làm, nhớ dân làng nên họ tìm đường về làng làm ăn. Nay dân làng mình chỉ nghe và làm theo những lời của cán bộ, không trốn dân làng đi vượt biên, không nghe và không làm theo những lời nói của bọn người xấu...”.

 Hoàng Minh

Có thể bạn quan tâm