Xã Sơn Lang gặp khó trong xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là xã điểm của tỉnh về xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, bộ mặt nông thôn của xã Sơn Lang (huyện Kbang) đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên hiện nay, xã vẫn còn một số hạng mục hạ tầng cần thiết chưa được đầu tư đã ảnh hưởng phần nào đến quá trình sinh sống, canh tác của người dân địa phương.

Mong ước có cây cầu vượt suối

Chị Nguyễn Thị Thanh (thôn Trạm Lập) có 1,2 ha cà phê trồng từ năm 1999 tại khu đất sản xuất bên kia suối Đục. Mỗi mùa mưa lũ, chị và một số người dân không dám vượt suối qua bên khu sản xuất. “Lòng suối rộng khoảng 10 mét, khi trời mưa lớn, nước từ trên thượng nguồn đổ về, lòng suối rộng thêm và hung dữ hơn. Lòng suối la liệt các mảng đá lớn tạo thành khe rãnh, nước chảy xiết. Để qua khu đất canh tác, bà con đã bắc cầu tạm nhưng mỗi lần trời mưa lớn đều cuốn trôi cây cầu này”-chị Thanh nói. Riêng mùa mưa năm 2016, mưa nhiều nên nước suối Đục dâng rất cao. “Suốt 3 tháng cuối năm, người dân không thể làm cầu tạm để qua suối thu hoạch cà phê dù vào mùa chín rộ. Phải đến sát Tết, nước suối rút, bà con mới làm lại được cầu. Chúng tôi rất mong Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng tại đây một cây cầu vượt suối để bà con qua nương rẫy canh tác được an toàn, thuận lợi”-chị Thanh chia sẻ.

 

Giúp người dân làng Hà Lâm làm nhà vệ sinh. Ảnh: H.L

Theo ông Đinh Văn Uy-Trưởng thôn Hà Lâm thì khu đất sản xuất này phần lớn là của người dân thôn Hà Lâm, Trạm Lập, Điện Biên. Riêng người dân thôn Hà Lâm có khoảng 100 ha, việc sản xuất của bà con ổn định từ gần 20 năm nay. “Thôn Hà Lâm có 91 hộ. Hầu hết khu ruộng rẫy canh tác của bà con đều ở bên kia suối Đục. Họ trồng cà phê, mì, bắp, lúa… Vì phải vượt suối sâu mới qua được khu đất sản xuất nên việc vận chuyển nông sản gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong mùa mưa. Do đó, chúng tôi thiết tha mong các cấp chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng một cây cầu vượt suối qua khu sản xuất để bà con đi lại được thuận lợi và an toàn hơn”-ông Uy cho biết.

Trao đổi về vấn đề này, ông Dương Quốc Điệp-Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lang, chia sẻ: Vấn đề xây dựng cầu vượt suối cho người dân 4 thôn qua khu sản xuất đã được xã kiến nghị lên huyện và các cấp cao hơn từ nhiều năm nay. Năm 2013, huyện có chủ trương đầu tư khoảng 700 triệu đồng để xây dựng cầu vượt qua suối Đục. Tuy nhiên, khi tiến hành khảo sát thì thấy khu đất sản xuất trải rất dài dọc theo suối Đục, địa hình phức tạp, đồng thời người dân lại kiến nghị nên đầu tư xây dựng cầu kiên cố, vì vậy, nên việc làm cầu khoảng 700 triệu đồng không khả thi.

 

Đến nay, xã Sơn Lang đã đạt 13/19 tiêu chí về nông thôn mới. Các tiêu chí còn lại về cơ bản xã đã thực hiện đạt từ 70% trở lên. Theo lộ trình, xã sẽ hoàn thành mục tiêu trở thành xã nông thôn mới vào năm 2019.

Giữa năm 2016, các cơ quan chuyên môn tiến hành khảo sát lại thì kinh phí xây dựng cầu kiên cố, phục vụ phương tiện cơ giới lưu thông, vận chuyển hàng hóa lên đến 4 tỷ đồng. Phương án này cần được cân nhắc trong điều kiện ngân sách eo hẹp như hiện nay. Cùng quan điểm, ông Phạm Thành Nhân-Phó Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Kbang cho rằng: Việc đầu tư 4 tỷ đồng cho một cây cầu chỉ phục vụ cho không nhiều người, không nhiều diện tích thì phải được cân nhắc trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp. “Chúng tôi cho rằng, phương án xây dựng ngầm rọ đá hoặc ngầm bê tông cốt thép theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm với mức đầu tư khoảng 500 triệu đồng là phù hợp”-ông Nhân nêu quan điểm.

Thiếu nghĩa trang và bãi rác tập trung

Xã Sơn Lang hiện nay vẫn chưa xây dựng được nghĩa trang và bãi tập kết rác tập trung, mặc dù đây nằm trong bộ tiêu chí đánh giá nông thôn mới. Theo bà con phản ánh, việc thiếu bãi rác tập trung và chưa có nghĩa trang nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Anh Nguyễn Công Lục (thôn Hà Lâm) bức xúc: “Vì chưa có bãi rác tập trung nên rác thải bị vứt bừa bãi. Hầu hết người dân đều đem rác xả ra dòng suối Đục. Mỗi lần mưa lớn, rác tràn ngập khu vực hạ lưu. Trong khi đó, nhiều người dân địa phương lấy dòng suối Đục làm nơi tắm rửa, sinh hoạt và bơm tưới về ruộng”-anh Lục nói. Ngoài ra, khi gia đình nào đó có người mất lại phải loay hoay không biết chôn cất chỗ nào. “Chúng tôi rất mong xã, huyện sớm quy hoạch bố trí nghĩa trang và bãi rác tập trung cho người dân”-ông Lục đề nghị.

Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lang-ông Dương Quốc Điệp cho biết: “Khu vực quy hoạch xây dựng nghĩa trang lại rơi vào diện tích đất rừng. Huyện và xã đã xin chủ trương của tỉnh nhưng vì quy hoạch đất rừng nên rất khó chuyển đổi. Bởi vậy, thời gian tới, xã đề xuất chuyển đổi qua vị trí khác. Đây là 2 trong số các tiêu chí phải hoàn thành để xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới”.

Hải Lê

Có thể bạn quan tâm