Thời sự - Bình luận

Xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch vững mạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một trong những nội dung quan trọng được thảo luận, thông qua tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là Đề án “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”.

Trên cơ sở đó, Trung ương sẽ định hướng một số giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, phù hợp với tiến trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát huy dân chủ trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền.

Sáng 3/10, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.
Sáng 3-10, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Ảnh nguồn TTXVN



Hơn 35 năm đổi mới, cùng với việc đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh toàn diện, gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị một cách đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa, vai trò và hiệu quả, hiệu lực lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị không ngừng được nâng cao. Điều đó đã góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, nâng cao vị thế và uy tín của Đảng cầm quyền trong vai trò lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội.

Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng đối với hệ thống chính trị là yếu tố cơ bản, huy động được sức mạnh toàn dân, tạo nên nguồn lực tổng hợp đưa đất nước phát triển mạnh mẽ. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 3%; quy mô nền kinh tế ngày càng lớn, GDP cả nước dự kiến năm nay đạt gần 410 tỷ USD; quốc phòng-an ninh được giữ vững; vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định và nâng cao. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng sự nhanh nhạy, kịp thời, chính xác trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị; tinh thần quyết tâm của Chính phủ và cả hệ thống chính trị, kinh tế đất nước đã nhanh chóng phục hồi và phát triển, tăng trưởng cao với dự báo đạt 7,7- 8% trong năm nay.

Thực tiễn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị đã đạt được nhiều kết quả, song cũng đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước, khi vẫn còn đó những hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Đó là việc đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành các nghị quyết của Đảng, thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật, chính sách của Nhà nước chưa thật sự rõ nét. Việc hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị; phân cấp, phân quyền, phân công, phối hợp giữa các cấp, ngành; xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị còn chậm và lúng túng; còn tình trạng không rõ ràng về quyền hạn, trách nhiệm giữa các cơ quan của Đảng và Nhà nước. Một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; vẫn còn tình trạng bao biện, áp đặt hoặc né tránh trách nhiệm, buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng. Công tác tổ chức cán bộ, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên còn hạn chế; thiếu cơ chế phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài; một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao thoái hóa biến chất, ảnh hưởng xấu đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng tuy đã có nhiều đổi mới và có đột phá trong phòng-chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hội nghị lần này là dịp để Trung ương nhìn nhận và đề ra giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong thời gian qua. Từ đó, Trung ương có thể ban hành nghị quyết nhằm phát huy hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới. Đó là quá trình đổi mới, hoàn thiện, đưa đường lối, chủ trương của Đảng vào cuộc sống thông qua tuyên truyền, vận động; thông qua thiết chế tổ chức bộ máy quản lý và công tác kiểm tra, giám sát. Qua đó, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Mà quan trọng nhất là Đảng có chủ trương, đường lối sát đúng; phát hiện, bồi dưỡng và giới thiệu đội ngũ cán bộ đủ tâm, đủ tầm đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính trị nhằm đảm bảo đất nước có một bộ máy lãnh đạo trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng về xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.

 

ĐÌNH CƯƠNG
 

 

Có thể bạn quan tâm