Xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai: Nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo 182 xã trong tỉnh Gia Lai đã có sự khởi sắc vượt bậc, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đời sống người dân ngày một nâng cao. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chương trình ở tỉnh ta hiện vẫn gặp không ít khó khăn.

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, toàn tỉnh có 70 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Theo dự kiến, UBND tỉnh sẽ công nhận thêm 17 xã đạt chuẩn NTM năm 2020. Ngoài TP. Pleiku đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, thị xã An Khê và Ayun Pa đang hoàn thiện hồ sơ xét công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020.

Kết quả này là nhờ các nguồn lực đầu tư của Nhà nước và sự chung sức đồng lòng của người dân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, đơn vị quân đội tích cực hỗ trợ giúp cơ sở hạ tầng nông thôn từng bước hoàn thiện, đời sống vật chất và tinh thần người dân ngày một nâng cao.

Làm đường giao thông nông thôn ở xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang). Ảnh: Nguyễn Diệp


Tuy vậy, theo nhìn nhận của các địa phương, quá trình thực hiện một số tiêu chí NTM còn gặp khó khăn khiến nhiều xã khó về đích. Năm 2020, toàn tỉnh có 27 xã và 2 huyện đăng ký đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, qua kiểm tra của cơ quan chuyên môn thì chỉ có 17 xã có khả năng đạt chuẩn. Trong khi đó, 2 huyện chưa đạt do một số tiêu chí khó thực hiện như: hộ nghèo, thu nhập, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật.

Nguyên nhân do giá nông sản xuống thấp ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người dân. Đặc biệt, dịch Covid-19 đã tác động xấu đến mọi mặt kinh tế-xã hội, gây ảnh hưởng đến công tác triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM.

Bà Phạm Thị Thúy-Bí thư Đảng ủy xã Yang Bắc (huyện Đak Pơ) cho biết: Xã đã đạt 17/19 tiêu chí NTM, còn lại 2 tiêu chí là thu nhập, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Trong đó, khó nhất là tiêu chí thu nhập do xuất phát điểm của xã thấp, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp với thu nhập bấp bênh, chưa có doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

“Để đạt tiêu chí thu nhập, xã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất nhằm nâng cao năng suất và sản lượng. Xã cũng chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Riêng tiêu chí hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, xã sẽ sớm củng cố và hoàn thành”-bà Thúy nói.

Tương tự, ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho hay: “Huyện vẫn còn 6 xã chưa đạt chuẩn NTM do vướng tiêu chí thu nhập. Hiện tại, mức thu nhập bình quân của người dân các xã này mới đạt 29-31 triệu đồng/năm, để đạt mức thu nhập 38-41 triệu đồng là rất khó vì phụ thuộc vào giá nông sản.

Bên cạnh đó, các tiêu chí về huyện đạt chuẩn NTM cũng rất khó khi trục đường liên xã Kông Lơng Khơng-Đak Hlơ vẫn còn hơn 6 km chưa được bê tông hóa. Ngoài ra, việc thực hiện các tiêu chí: văn hóa, giáo dục và y tế cũng đang gặp khó khăn về kinh phí. Dù vậy, huyện sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư để 6 xã này đạt chuẩn NTM trong năm nay”.

Trao đổi với P.V, ông Phạm Ngọc Huyền-Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh-thông tin: Đến thời điểm này, Trung ương vẫn chưa phân bổ kinh phí cho các địa phương nên ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ xây dựng NTM.

 

 NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm