(GLO)- Xuất phát điểm thấp, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ canh tác lạc hậu nên các huyện nghèo trên địa bàn tỉnh Gia Lai gặp không ít khó khăn trong việc triển khai thực hiện 19 tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), nhất là tiêu chí số 10 về thu nhập.
Ông Vũ Đăng Tuấn-Chủ tịch UBND xã Đak Krong (huyện Đak Đoa, Gia Lai)-cho hay: “Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, từ năm 2011 đến nay, nhiều tiêu chí trên địa bàn xã được các cấp, ngành đánh giá đạt chuẩn. Riêng tiêu chí thu nhập đang là một trong những “trở lực” lớn bởi hầu hết người dân trong xã có nguồn thu chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, nhưng giá cả các mặt hàng nông sản hiện đang rất bấp bênh. Do vậy, xã đang tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, phấn đấu đạt mức thu nhập bình quân khoảng 38 triệu đồng/người/năm thì mới mong đưa xã về đích NTM trong năm 2019”.
Giá hồ tiêu, cà phê xuống thấp khiến nhiều địa phương khó thực hiện tiêu chí thu nhập. Ảnh: N.D |
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê thì cho biết: Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, một trong những vấn đề nan giải là tiêu chí thu nhập, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu, giá cả nông sản lên xuống thất thường... tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, thời gian qua, giá các mặt hàng nông sản chủ lực của huyện như: cà phê, cao su, hồ tiêu… xuống thấp trong khi chi phí đầu tư sản xuất tăng cao. 2 xã gặp khó nhiều nhất là Ayun và Hbông. Để đạt tiêu chí số 10, hàng năm, ngoài nguồn lực đầu tư của Trung ương và tỉnh, huyện còn hỗ trợ kinh phí cho các xã xây dựng nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân nâng cao thu nhập. Theo ông Hợp, thời gian qua, huyện đã phân công các thành viên Ban chỉ đạo phụ trách từng thôn, làng phối hợp với các hội, đoàn thể ở xã tích cực kiểm tra, hướng dẫn giúp đỡ từng hộ thoát nghèo bền vững. Nhờ đó, đến nay, huyện đã có 10 xã đạt được tiêu chí thu nhập.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện tiêu chí thu nhập. Bên cạnh đó, nhiều xã chưa có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ dẫn đến việc tiêu thụ nông sản chậm. Vì vậy, các ngành, địa phương đã chủ động đề ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế khu vực nông thôn như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao; tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa phù hợp với nhu cầu thị trường... nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các hộ tham gia vào hợp tác xã, tổ chức các lớp đào tạo nghề nông thôn…
Ông Trần Văn Văn-Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh-nhấn mạnh: “Để đạt được tiêu chí thu nhập, thời gian tới, các địa phương cần hình thành các hợp tác xã, triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) và xây dựng chuỗi giá trị liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ”.
NGUYỄN DIỆP