Kinh tế

Xây dựng thương hiệu cà phê Gia Lai-Kỳ 2: Khó khăn trong quản lý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để có những ly cà phê thơm ngon phục vụ người tiêu dùng, các cơ sở chế biến thường trộn thêm gia vị, hương liệu...Vì lợi nhuận, một số cơ sở cố tình sử dụng các loại hóa chất không rõ nguồn gốc trong chế biến cà phê, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Vì vậy, việc quản lý hoạt động chế biến cà phê của các cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn.

Theo Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT), những năm trước đây, Chi cục được giao nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trong đó có các cơ sở chế biến cà phê. Sau khi có quyết định phân cấp, đơn vị đã cấp 34 giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở chế biến cà phê. Các cơ sở này do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép kinh doanh...

 
Tiêu hủy sản phẩm cà phê không đảm bảo theo công thức quy định. Ảnh: N.D

Để thu được nhiều lợi nhuận, một số cơ sở chế biến cà phê đã vi phạm quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, pha trộn các loại hóa chất không được phép sử dụng. Những năm gần đây, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện và xử lý một số cơ sở chế biến cà phê bột vi phạm quy định của pháp luật. Gần đây, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh đã phát hiện 2 cơ sở trên địa bàn TP. Pleiku có hành vi sử dụng hóa chất không rõ nguốn gốc xuất xứ trong chế biến cà phê, xử phạt với số tiền 12 triệu đồng. Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra liên ngành Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm tỉnh cũng đã phát hiện và xử lý một vụ chế biến cà phê không đảm bảo chất lượng...

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, khó khăn lớn nhất hiện nay là hầu hết các cơ sở chế biến cà phê bột nhỏ lẻ thường xuyên đóng cửa. Thời gian chế biến sản phẩm không cố định dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, quản lý. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm chưa có quy chuẩn công bố phù hợp về chất lượng cà phê cũng gây khó cho kiểm tra, đánh giá chất lượng cà phê có trộn các loại đậu nành, bắp, hương liệu.

Ông Nguyễn Văn Đang-Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm, cho biết: Với cơ sở có thương hiệu thì họ có đầy đủ hồ sơ, thủ tục đáp ứng đủ điều kiện chế biến, đảm bảo quy trình chế biến, công bố sản phẩm theo quy định. Nhưng cơ sở nhỏ lẻ thì không đủ thủ tục pháp lý hành nghề, dụng cụ, thiết bị thô sơ, điều kiện chế biến không đảm bảo quy định, chưa công bố chất lượng sản phẩm...Vì vậy, muốn phát hiện cơ sở có vi phạm hay không thì phải có lực lượng trinh sát và có sự phản ánh của người dân hoặc đơn thư phản ánh mới tiến hành kiểm tra đột xuất được. Bên cạnh đó, các cơ sở vi phạm còn tìm cách đối phó bằng cách khi biết có đoàn kiểm tra thì đóng cửa không làm việc, không xuất trình giấy tờ.

Ông Lê Huy Toàn-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản, cho biết thêm: Doanh nghiệp được làm những gì mà Nhà nước không cấm. Pháp luật hiện hành chưa có quy định cấm trộn bắp, đậu tương trong cà phê. Bên cạnh đó, chưa có quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng cà phê bột nên thiếu cơ sở xử lý việc trộn bắp và đậu tương trong cà phê, cũng như vi phạm về chất lượng cà phê bột…

Nhóm PV

Có thể bạn quan tâm