Thời sự - Bình luận

Xây dựng văn hóa, con người thành nguồn lực nội sinh của đất nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ”. Nhiệm vụ của nền văn hóa cách mạng là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với 3 tính chất: dân tộc, khoa học, đại chúng. Nói cách khác, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến phát triển văn hóa, con người. Yêu cầu này tiếp tục là một trong nhiều nội dung quan trọng được đề cập trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, xác định lấy văn hóa, con người làm nguồn nội lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Cách đây 1 năm, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, xây dựng được hệ giá trị văn hóa trong thời kỳ mới là một vấn đề quan trọng. Sứ mệnh của văn hóa là soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Tuy nhiên, để làm được điều đó, chúng ta phải đầu tư. Mà trước hết là phải từ triết lý phát triển.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và các đại biểu tham quan trưng bày triển lãm sách, tài liệu
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và các đại biểu tham quan trưng bày triển lãm sách, tài liệu "Xây dựng và phát huy giá trị văn hoá chất sức mạnh con người Việt Nam". Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN


Để có con người văn hóa, không thể không chú trọng giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Dân tộc ta có truyền thống văn hiến, khoan dung. Chúng ta luôn mở lòng với bạn bè, giao lưu hội nhập với thế giới; chúng ta khiêm tốn học hỏi những tinh hoa của loài người để làm giàu cho văn hóa nước nhà. Muốn có văn hóa, trước hết phải có giáo dục-một nền giáo dục tiên tiến, không chỉ dạy tri thức mà còn phải coi trọng việc dạy học sinh làm người tốt.  

Xây dựng hệ giá trị văn hóa vừa phải dựa trên nền tảng là những giá trị truyền thống, văn hóa và con người Việt Nam đã được hun đúc qua mấy ngàn năm lịch sử, vừa phải gắn với yêu cầu phát triển, hội nhập, bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Đặc biệt, hệ giá trị văn hóa cần phải đề cao giá trị dân chủ và giá trị sáng tạo của người dân. Vì chỉ có người dân mới thực sự là chủ thể của sáng tạo văn hóa.

Phát triển văn hóa theo tư tưởng Hồ Chí Minh là phải hướng đến lợi ích của người dân. Đó là quyền được hưởng thụ sáng tạo và tôn trọng sự đa dạng trong thưởng thức văn hóa của dân. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu là phát triển ngành công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa. Vừa tôn trọng, vừa phát huy tính đa dạng vốn có của văn hóa Việt Nam, từ đó, tạo ra nội lực phát triển đất nước.

Việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam ở thời đại mới đòi hỏi phải gắn với xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật. Trong đó, con người là chủ thể sáng tạo, là công cụ truyền đạt, cảm hóa, lan tỏa và làm sâu sắc những giá trị văn hóa dân tộc. Những năm qua, lĩnh vực này luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm với mong muốn văn học nghệ thuật nước nhà phát triển lành mạnh, văn nghệ sĩ sáng tạo được nhiều tác phẩm có giá trị. Nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của nước ta đã được UNESCO ghi danh; nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc được bảo tồn và phát huy trong đời sống.

Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của công nghệ, “văn hóa số” là một khái niệm mới, bao gồm những hành vi ứng xử, hoạt động hay sản phẩm văn hóa, nghệ thuật được bảo tồn, sáng tạo trên các nền tảng số. Các hoạt động văn hóa, các tác phẩm văn chương, nghệ thuật được phổ biến nhanh chóng, hình thức hưởng thụ văn hóa cũng đa dạng, cởi mở và không giới hạn địa giới hành chính, không phân biệt dân tộc, đẳng cấp, giới tính… Môi trường văn hóa số mới mẻ, hấp dẫn, tác động trở lại cuộc sống, làm thay đổi cả cách thức tương tác, quan hệ xã hội; hình thành các xu hướng mới vừa tác động tích cực, vừa là thách thức đối với văn hóa. Do đó, xây dựng hệ giá trị văn hóa cần phải lưu ý các quy tắc ứng xử trên không gian mạng; hòa nhập nhưng phải phát huy và giữ cho được các giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa, con người và dân tộc Việt Nam.

Sau Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11 năm ngoái, chúng ta đã làm được nhiều việc, nhưng nhiệm vụ phía trước hãy còn nhiều. Vì vậy, Hội thảo quốc gia về “Hệ giá trị quốc gia-Hệ giá trị văn hóa-Hệ giá trị gia đình và Chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” lần này với sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, văn nghệ sĩ là dịp để chúng ta quán triệt và nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn Đảng, toàn dân về đường lối phát triển văn hóa, cũng như xác định giải pháp xây dựng các thành tố này. Qua đó làm sáng rõ hơn nữa quan điểm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” và “Văn hóa còn thì dân tộc còn” mà Bác Hồ và Đảng ta đã xác định. Xây dựng văn hóa, con người Việt Nam thành nguồn lực nội sinh thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

 

 ĐÌNH CƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm