Xe quá khổ, quá tải vẫn lọt qua trạm cân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng với xe tải chở các loại hàng hóa khác, thời điểm này, bà con nông dân các huyện phía Đông tỉnh đang vào vụ thu hoạch mía nên số lượng xe tải lưu thông trên tuyến đường quốc lộ 19 tăng cao. Tình trạng xe tải chở quá khổ, quá tải vẫn diễn ra, một số xe vẫn lọt được các trạm kiểm soát giao thông một cách suôn sẻ.

Xe quá tải lọt trạm

Trưa 13-1, chúng tôi có mặt tại đầu đèo An Khê, đến 16 giờ cùng ngày theo quan sát có khoảng 15 xe chở mía lưu thông về tỉnh Bình Định. Mặc dù hầu hết các xe tải này đều được phủ bạt, mía chất trên xe không còn tình trạng lòi đầu, lòi đuôi như thời gian trước, nhưng vẫn có dấu hiệu chở quá khổ, quá tải. Vì sao những xe tải chở mía này vẫn vượt trạm về Bình Định an toàn mà không phải hạ tải? Trung tá Võ Đình Tuấn-Tổ trưởng Tổ Cảnh sát Giao thông tại Trạm cân Song An, cho biết: “Trên nguyên tắc, xe chở quá khổ, quá tải chúng tôi phải buộc các chủ xe hạ tải. Tuy nhiên, làm như thế người dân sẽ phải tốn thêm cước hạ tải, mía bị hạ tải dẫn tới bị khô giảm trọng lượng, giảm trữ đường gây thất thu cho nông dân. Bên cạnh đó, hầu hết các lái xe đều là người làm thuê, xử lý căng họ sẽ không chạy xe nữa dẫn tới nông dân khó khăn trong việc vận chuyển mía và giá cước vận chuyển có thể tăng cao”.

 

 Xe đầu kéo được đưa vào cân, đến lần thứ 3 mới báo trọng tải xe. Ảnh: Hồng Sơn
Xe đầu kéo được đưa vào cân, đến lần thứ 3 mới báo trọng tải xe. Ảnh: Hồng Sơn

Phía cánh lái xe thì cho rằng vì miếng cơm manh áo họ phải chở quá khổ, quá tải mới có lợi nhuận. Một chủ xe mang biển kiểm soát tỉnh Bình Định cho biết: “Hầu hết các xe chở mía từ các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai đi Bình Định trọng tải đều trên dưới 30 tấn, trung bình 2 ngày tôi chạy một chuyến, trong nhiều lần qua các trạm có lúc bị lãnh biên bản, bản thân tôi và một số cánh lái xe khác đã bị tịch thu giấy phép lái xe vì chở quá khổ, quá tải.

Cần có giải pháp căn cơ

Ngày 13-1, Thiếu úy Trần Duy Mẫn, thuộc lực lượng Thanh tra Giao thông, phụ trách việc cân xe tại Trạm cân Song An cho biết: “Đến 16 giờ ngày 13-1, đã tiến hành cân 15 xe, không có xe nào quá trọng tải quy định”. Nhưng theo quan sát của P.V, chỉ riêng số lượng xe mía hàng ngày lưu thông qua trạm cân đã lớn hơn rất nhiều so với tổng các loại xe được cân trong ngày là 15 xe!

 

Các xe chở mía quá khổ, quá tải lưu thông về Bình Định (ảnh chụp tại đầu đèo an Khê). Ảnh: Hồng Sơn
Các xe chở mía quá khổ, quá tải lưu thông về Bình Định (ảnh chụp tại đầu đèo An Khê).
Ảnh: Hồng Sơn

Trong khi đó, vào thời điểm P.V tiếp cận, Trạm cân Song An bị lỗi, không đáp ứng được nhu cầu cân xe. Cụ thể, vào 16 giờ ngày 13-1, xe đầu kéo BKS 77C-081.16 tiến lên bàn cân, thế nhưng cân không báo được trọng tải xe, xe được ra hiệu lệnh quay đầu xe cân lại đến lần cân thứ 3 bảng điện tử mới báo được trọng tải xe. Kế tiếp xe 3 chân BKS 77C-039.65 được đưa vào cân, mặc dù đã được ra hiệu lệnh chạy chậm để cân nhưng phải đến lần cân thứ 2 xe mới báo trọng tải 19 tấn. Trung bình phải mất 15 phút mới hoàn tất một lượt cân xe.

Trung tá Võ Đình Tuấn cho biết thêm: “Hiện tại cân đang gặp sự cố kỹ thuật, vì thế chúng tôi chỉ cho cân đối với những xe có dấu hiệu quá tải. Nếu cân tất cả các xe, có thể dẫn tới ùn tắc giao thông vì thời gian cân một xe rất lâu không đáp ứng được lưu lượng xe lưu thông. Chúng tôi đã trình báo việc này, đến đầu tháng cân sẽ được gửi ra Hà Nội để sửa chữa. Và thời gian tới, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm các xe quá khổ, quá tải và sẽ áp dụng biện pháp hạ tải đối với xe chở quá tải. Đồng thời sẽ đẩy mạnh biện pháp tuyên truyền cho người dân chấp hành Luật Giao thông Đường bộ, không chở quá khổ, quá tải. Tuy nhiên, giải quyết tình trạng này cần có thời gian, cần có sự chung tay nhiều ngành cùng vào cuộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân chuyển biến ý thức trong việc chấp hành Luật Giao thông Đường bộ.

 

Lực lượng chức năng tại trạm cân Song An cho người dùng cưa máy cưa phần mía lòi sau đuôi xe. Ảnh: Hồng Sơn
Lực lượng chức năng tại trạm cân Song An cho người dùng cưa máy cưa phần mía lòi sau đuôi xe. Ảnh: Hồng Sơn

Xử lý xe quá khổ, quá tải là việc cấp thiết, cần giải quyết triệt để. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có giải pháp đồng bộ để giải quyết tình trạng này để người dân tự ý thức được việc chấp hành Luật Giao thông Đường bộ. Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát Giao thông cần làm đúng chức trách được giao, khuyến khích các xe chấp hành đúng Luật Giao thông Đường bộ.

Hồng Sơn-Thanh Thanh

Có thể bạn quan tâm