Phóng sự - Ký sự

Xem người Nga kiếm tiền từ bữa tiệc bóng đá World Cup 2018

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Người Nga dọn những thứ "cây nhà lá vườn" ra mời khách và tất cả đều cảm thấy ngon miệng. Hôm khai mạc World Cup 2018, từ Saint Petersburg tôi trở về khách sạn nơi mình đã ở những ngày đầu tại Matxcơva, các phòng đều kín chỗ. Trước đó một tuần, chỉ 1/3 số phòng là có khách.

Du khách tràn ngập

Lượng người xuất hiện trên phố cổ Arbat đã tăng gấp nhiều lần. Những ai e ngại về chuyện du khách "không dám" đến Nga hè này vì những mối lo an ninh cần phải xem lại. Trước thềm World Cup, Nhà Trắng phát đi cảnh báo với công dân Mỹ. Kết quả: người Mỹ vẫn ùn ùn kéo sang Nga.

 
Các cổ động viên Peru.
Các cổ động viên Peru.

Việc tuyển Mỹ không được dự World Cup hóa ra chẳng ảnh hưởng gì đến tinh thần du lịch của nhiều CĐV.

World Cup 2014, ở ngay đất nước Brazil, có 155.000 tấm vé được bán cho các CĐV Mỹ.

Còn năm nay ở nước Nga xa xôi, số lượng vé thuộc sở hữu CĐV Mỹ hiện là 90.000, và chắc chắn còn tăng lên nữa khi giải đấu diễn ra.

Người Mỹ đủ giàu có để đi đến mọi nơi mà họ muốn, và tinh thần phiêu lưu của dân Mỹ cũng không e ngại những cảnh báo mơ hồ về an ninh.

Nếu có ai đó sợ hãi, đó có lẽ là người châu Âu. Một ngày trước lễ khai mạc, tôi gần như không gặp CĐV châu Âu nào giữa một rừng hàng chục ngàn CĐV các nước đổ đến khu quảng trường Đỏ tổ chức lễ hội.

Có thể người châu Âu chỉ muốn theo chân đội tuyển, đến thành phố đội nhà đá trận đầu tiên, hoặc họ ngại giương cao lá cờ nước mình ở đất Nga.

Đối lập với sự im ắng bất thường của CĐV châu Âu là người hâm mộ Nam Mỹ, châu Phi và vùng Trung Đông. Những địa điểm công cộng ở Matxcơva trong ngày trước lễ khai mạc dường như trở thành nơi để CĐV các quốc gia Brazil, Argentina, Colombia, Peru, Ai Cập, Morocco, Iran, Saudi Arabia... tổ chức lễ hội.

Những CĐV Nam Mỹ hoặc châu Phi hiển nhiên không giàu có lắm, họ không thể thoải mái vung tay bằng dân châu Âu hay Mỹ. Nhưng số này cũng rất chịu chơi.

Ai Cập đá trận đầu tiên ở Yekaterinburg, tương tự là Morocco tại Saint Petersburg, Peru và Colombia ở Saransk, Brazil tại Rostov... Thay vì bay thẳng đến các thành phố kể trên để theo chân đội tuyển, hàng ngàn CĐV mỗi nước dạo một vòng qua Matxcơva để tận hưởng bầu không khí tưng bừng ngày khai mạc, trước khi hối hả mua vé máy bay đến bản doanh của đội nhà.

 

CĐV các nước đang tạo ra sắc màu và bầu không khí sôi động ở Matxcơva dù chủ nhà không đầu tư nhiều cho các công trình.
CĐV các nước đang tạo ra sắc màu và bầu không khí sôi động ở Matxcơva dù chủ nhà không đầu tư nhiều cho các công trình.

Người Nga sẽ có lãi?

Đã liên tiếp hai kỳ World Cup, câu chuyện tài chính trở thành vấn đề đau đầu với nước chủ nhà. FIFA lúc nào cũng lãi to nhờ vào các nhà tài trợ khổng lồ và tiền bản quyền truyền hình mỗi lúc một tăng.

Nhưng quốc gia đăng cai thì không. Việc FIFA có xu hướng chọn những địa điểm mới cho việc tổ chức khiến hai kỳ World Cup gần nhất, đất nước đăng cai (Nam Phi 2010 và Brazil 2014) đều phải chi ra khá nhiều tiền cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng.

Ở World Cup 2010, Nam Phi bỏ hơn 6 tỉ USD cho công tác tổ chức và thu về vỏn vẹn 500 triệu USD lợi nhuận. Bốn năm sau đó, Brazil đầu tư hơn 14 tỉ USD và rốt cuộc thu về tầm 4 tỉ USD. Tất nhiên, những cơ sở hạ tầng mà họ đầu tư cho World Cup có thể mang đến lợi ích lâu dài.

Những cảnh cáo về sự lãng phí cho chủ nhà Nga năm nay vì thế cực lớn, đặc biệt là sau kỳ Olympic Sochi 2014 được mệnh danh là "lãng phí nhất lịch sử" (Nga đầu tư đến hơn 50 tỉ USD). Dường như rút kinh nghiệm từ bài học Sochi, World Cup 2018 của Nga khá tiết kiệm với vỏn vẹn 11 tỉ USD kinh phí tổ chức. Con số này thấp hơn cả World Cup 2006 của Đức.

Tiết kiệm nhưng không có nghĩa chủ nhà Nga không chu đáo. Họ "chơi sang" khi cho mọi CĐV có vé một tài khoản fan ID - tương đương việc cấp visa miễn phí. Rồi những ai có fan ID lại được đi các phương tiện giao thông công cộng miễn phí. Nước Nga lẽ ra có thể thu về cả trăm triệu USD nếu không có những khoản "khuyến mãi" này.

Tất nhiên, "thả con tép bắt con tôm", việc cấp visa dễ dàng giúp có nhiều khách du lịch hơn. Và so với Brazil hay Nam Phi, nước Nga nhiều kinh nghiệm hơn hẳn trong việc "vặt tiền" của du khách.

Trong số 11 thành phố đăng cai World Cup 2018, có đến tám TP nổi tiếng về du lịch gồm Saint Petersburg, Matxcơva, Yekaterinburg, Kaliningrad, Rostov, Novgorod, Kazan và Sochi. Điều này có nghĩa Nga không cần đầu tư cho những công trình thể thao để làm hài lòng du khách ở World Cup 2018.

Đơn cử như Saint Petersburg. Suốt ba ngày trời ở đây, từ 9 đến 12-6, tôi không thấy nhiều bóng dáng của World Cup trên các đường phố. Ngoại trừ sân vận động và khu Fan Fest, những gì thành phố này đầu tư cho World Cup chỉ là một số bức tượng chú sói linh vật Zabivaka đếm được trên đầu ngón tay rải rác các địa điểm du lịch.

Nhưng các con phố thì vẫn cứ đông nghẹt du khách. Zhao Yumeng, một du khách Trung Quốc, cho biết: "Saint Petersburg rất đẹp, đặc biệt là các cung điện và nhà thờ. Tôi nghĩ những thành phố khác ở Nga cũng vậy. Buổi sáng tôi sẽ đi thăm thú các địa danh, rồi chiều đến sân vận động hoặc Fan Fest coi bóng đá".

 

Xe rửa sạch đường phố ở Nga.
Xe rửa sạch đường phố ở Nga.

Ngay cả Matxcơva hoa lệ cũng vậy. Thủ đô của nước Nga đặt một chiếc đồng hồ đếm ngược giờ trong khuôn viên quảng trường Đỏ. Chấm hết. Nhưng hàng trăm ngàn CĐV nước ngoài vẫn háo hức đổ về đây. Có quá nhiều thứ cho họ ở quảng trường Đỏ, nào nhà thờ lớn Basil, nào quần thể điện Kremlin, nào bưu điện Matxcơva cổ kính...

Nói một cách ví von, người Nga dọn những thứ "cây nhà lá vườn" ra mời khách và tất cả đều cảm thấy ngon miệng. Sau kỳ Olympic Sochi 2014 tốn kém, thể thao Nga đã chìm vào một cuộc khủng hoảng nặng nề do vấn nạn doping. Bóng đá cũng vậy. Đầu tư quá nhiều cho thể thao luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thậm chí còn bị chế giễu.

Hãy cùng chờ đợi người Nga sẽ kiếm được những gì tại World Cup 2018?

Những chiếc xe làm sạch đường phố

Những chiếc xe quét đường và rửa đường là hình ảnh khá quen thuộc tại Matxcơva. Và vào mùa này, du khách có thể thấy xe tràn ngập trên mọi nẻo đường, đặc biệt là trong các khu vực trung tâm.

Kurzhakov, một công nhân điều khiển xe trong khu phố Arbat, cho biết anh được yêu cầu làm thêm hai giờ mỗi ngày suốt mùa World Cup để đảm bảo các mặt đường luôn được sạch sẽ. "Mùa này nhiều mưa nên đường rất hay bị đọng nước và bẩn".

Huy Đăng/tuoitre

Có thể bạn quan tâm