Thời sự - Bình luận

Xóa mù chữ: Tạo nền tảng dân trí vững chắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”; coi mù chữ là quốc nạn và “dốt” cũng là một loại giặc nguy hiểm cần phải tiêu diệt ngay từ những ngày đầu thành lập nước. Những năm qua, xóa mù chữ (XMC) và phổ cập giáo dục là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Gần 10 năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phổ cập giáo dục, XMC; tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và xây dựng xã hội học tập. Công tác XMC và phổ cập giáo dục được tiến hành rộng khắp, nhất là ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.

Cô Đỗ Thị Lan (giữa)-giáo viên Trường Tiểu học Lê Lai (xã Chư Á, TP. Pleiku) hướng dẫn học viên viết chữ. Ảnh: Mộc Trà

Cô Đỗ Thị Lan (giữa)-giáo viên Trường Tiểu học Lê Lai (xã Chư Á, TP. Pleiku) hướng dẫn học viên viết chữ. Ảnh: Mộc Trà

Những năm qua, tỉnh Gia Lai đã dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác phổ cập giáo dục, XMC cho người dân, nhất là trong đồng bào DTTS. Cùng với kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025 (trong đó có nhiệm vụ XMC), ngày 7-7, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 384/QĐ-UBND phê duyệt danh mục học phẩm hỗ trợ cho học viên các lớp XMC trên địa bàn tỉnh để thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”.

Trước đó, ngày 9-12-2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 49/2022/NQ-HĐND quy định nội dung, mức hỗ trợ để khuyến khích người dân tham gia học XMC thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đây là cơ sở để ngành Giáo dục các địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức mở lớp XMC nhằm giúp người dân biết đọc, biết viết thông thạo tiếng Việt.

Công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng về phổ cập giáo dục, XMC đã và đang được đẩy mạnh; gắn việc thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, XMC với việc xây dựng xã hội học tập và các phong trào thi đua tại địa phương. Công tác điều tra, rà soát số người mù chữ, người tái mù chữ cũng được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, làm cơ sở cho việc vận động, tuyên truyền tham gia các lớp học XMC. Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên phục vụ công tác XMC cơ bản được đảm bảo. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức tập huấn cho 119 cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của các đơn vị về công tác dạy học chương trình XMC, làm cơ sở để triển khai nhân rộng trên toàn tỉnh.

Tính đến ngày 27-7, toàn tỉnh có 7/17 địa phương (gồm: Pleiku, Phú Thiện, Chư Păh, Đak Pơ, Chư Prông, Đức Cơ, Krông Pa) đã mở được 46 lớp XMC với 1.181 học viên. Các địa phương còn lại cũng đã tổ chức vận động học viên, xây dựng kế hoạch mở lớp XMC và dự kiến triển khai trong tháng 8-2023. Tổng nguồn kinh phí từ ngân sách trung ương được phân bổ trong năm 2022 và 2023 để thực hiện công tác mở lớp XMC là hơn 17,55 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ giảng dạy XMC còn gặp không ít khó khăn. Tại hội nghị đánh giá công tác dạy học XMC trên địa bàn tỉnh do Sở GD-ĐT tổ chức vào chiều 31-7, ông Nguyễn Thanh Phong-Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Kông Chro-cho hay: Đến nay, tình trạng mù chữ trên địa bàn huyện gần như đã được thanh toán, song vẫn còn đó một số trường hợp người lớn tuổi tái mù chữ và một số ít người kém may mắn chưa được đến lớp. Trong quá trình tổ chức thực hiện mở lớp XMC, huyện cũng gặp một số vướng mắc về công tác hỗ trợ cho học viên học XMC; giải quyết chế độ cho người tham gia giảng dạy, quản lý lớp XMC; tài liệu dạy học chương trình XMC.

Quang cảnh lớp học XMC tại xã Chư Á, TP. Pleiku. Ảnh: Mộc Trà

Quang cảnh lớp học XMC tại xã Chư Á, TP. Pleiku. Ảnh: Mộc Trà

Tương tự, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Krông Pa Trần Quốc Định nêu thực trạng: Học viên các lớp XMC rất đa dạng, từ độ tuổi thiếu niên cho đến gần 60. Nhiều học viên cao tuổi định hình chữ cái rất hạn chế, phần lớn tiếp thu chậm. Mặt khác, thời gian đi học có lúc còn gián đoạn và ít có thời gian ôn tập tại nhà nên công tác dạy XMC gặp không ít khó khăn.

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công, tính đến thời điểm này, các điều kiện để tổ chức lớp XMC đã cơ bản đầy đủ, từ chương trình, tài liệu, nhân sự, cơ sở vật chất đến tài chính. Sở GD-ĐT đã ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn; kinh phí thực hiện cũng đã được giao về các địa phương để triển khai mở lớp XMC đảm bảo tiến độ và chất lượng.

Có thể nói, công tác XMC đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và tạo nền tảng dân trí vững chắc để phát triển đất nước. Tuy nhiên, để công tác này được duy trì và đạt hiệu quả, đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, đoàn thể; sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường và của cả người học.

Có thể bạn quan tâm