Vào các xóm trọ nghèo mùa dịch, chúng tôi thấy rất nhiều cảnh đời khó khăn nhưng cũng chứng kiến bao nỗ lực mưu sinh thiện lương. Không bế tắc, không ỷ lại ai, họ tự bươn chải vượt qua những ngày gian khó, thậm chí còn sẻ chia, giúp đỡ nhau.
Bà Trúc cùng các cháu nhỏ bán khăn giấy bên đường - Ảnh: CÔNG TRIỆU |
Chính những ngày khổ này, tụi tui càng thấy rõ tình người. Những người có điều kiện giúp kẻ nghèo. Nhưng cũng nhiều người lá rách ít vẫn đùm lá rách nhiều. Tụi tui vượt khổ được là nhờ vậy. Ông Tư Hoàng |
Một người hàng xóm của bà Nguyễn Thị Trúc (61 tuổi, quê Quảng Ngãi, bán vé số) đã san sẻ lại cho sáu bà cháu những gói mì tôm mà họ vừa nhận được từ một nhóm thiện nguyện khi đi làm về.
Người nghèo cho lại người khổ
5h30 sáng. Vừa chợp mắt chưa đầy 4 tiếng đồng hồ, bà Trúc trở mình rồi bật hẳn người dậy trong phòng trọ nhỏ xíu ở số 94 Vũ Tùng (Q.Bình Thạnh). Giấc ngủ quá ngắn khiến bà phải nhíu mày nhiều lần mới có thể tỉnh táo. "Đi chợ, mua ít đồ về nấu cho tụi nhỏ ăn để còn kịp đi bán", bà nói với chúng tôi và nhìn sang lũ trẻ nheo nhóc còn say giấc.
Trước đợt giãn cách xã hội, mấy bà cháu đi bán vé số một ngày cũng kiếm được khoảng 200.000 đồng. Từ khi tạm ngưng việc đã theo mình hơn chục năm trời, bà Trúc bảo vừa nhớ nghề vừa lâm túng thiếu. Ở nhà suốt, tiền cơm gạo, tiền trọ, điện nước ngốn hết vốn liếng của người bà nghèo. Không quen an nhàn, lại nóng lòng vì cạn tiền, mấy bà cháu tìm đến quầy hàng nhỏ xin khất nợ được ít khăn giấy để bán lại kiếm chút lời.
"May là một thùng 40 bao khăn, tui lấy giá 260.000 đồng, bán lại mỗi bao 10.000 thì còn chút lời 140.000. Nghèo thì phải gắng thôi, chú ơi!", bà Trúc nói. Trên khuôn mặt hốc hác, le lói niềm vui, niềm hi vọng khi bà Trúc kể về 140.000 đồng tiền lời nếu bán được 40 bịch khăn giấy dù không dễ bán được hết.
Câu chuyện bị gián đoạn khi có tiếng gõ cửa bên ngoài. "Là bà Tháu, hàng xóm, chắc là qua cho gì đấy", bà Trúc như giới thiệu. Bà Nguyễn Thị Tháu (58 tuổi), hàng xóm chung vách trọ với bà Trúc, đang tay xách nách mang một bao gạo lớn cùng nhiều mì gói. Giọng nặng trịch Nghệ An, bà Tháu bảo đây là quà vừa nhận từ nhóm thiện nguyện, nhưng vì đang ở một mình bà ăn không hết nên chia sẻ cùng sáu bà cháu Trúc.
Dù rất khó khăn, người đàn ông nhặt ve chai vẫn nở nụ cười mưu sinh - Ảnh MẠNH DŨNG |
Trước đây, bà Tháu cũng ở trọ cùng 8 người khác, tất cả đều là chị em quê Nghệ An. Do dịch bệnh, phòng nay chỉ còn mỗi bà Tháu trụ lại. "Trọ ni có chừng hơn 10 phòng, tất cả đều là dân bán vé số, ve chai, lao động chân tay. Vì dịch bệnh, không việc làm nên ai nấy đều về quê. May chủ mấy nhà mà tui đang giúp việc không bảo nghỉ nên tui mới dám ở lại. Chớ không việc, dịch dã rứa ai dám ở lại", bà Tháu nói.
Bà Tháu vào Sài Gòn mưu sinh với nghề giúp việc nhà đã được 30 năm nay. Trước đợt dịch bệnh, mỗi tháng bà nhận dọn dẹp nhà cửa cho 4 gia đình. Nhưng giờ mỗi ngày bà chỉ còn phụ việc cho hai nhà xen kẽ, thu nhập giảm còn một phần ba. Không đủ tiền chi phí cho mình, cho mẹ già ở quê cùng dự định "nghỉ hưu" vào năm tới, thời gian rảnh bà Tháu còn ra chợ xin phụ việc ở quán cơm để kiếm thêm thu nhập.
Không than van và cố làm hơn
Gần một tháng nay, mọi hoạt động buôn bán trên đường Đinh Bộ Lĩnh - sau lưng bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh) - trầm lặng cả đêm lẫn ngày. Đầu con hẻm ngoằn ngoèo như hang rắn, đôi vợ chồng đang ngồi hát karaoke. Tiếng bolero khàn đục méo mó lẫn tiếng còi xe...
Trời chập choạng tối, chúng tôi theo ông Phạm Nam (57 tuổi) vào xóm trọ trong hẻm. Sống nghề hủ tiếu đã hơn 10 năm, đợt mấy tuần giãn cách xã hội chẳng thể bán buôn gì khiến ông bứt rứt nhớ việc mưu sinh. Cứ chiều chiều ông lại cầm khăn lau kỹ từng ngóc ngách trên chiếc xe hủ tiếu của mình.
Ông tâm sự khu này dân miền Trung, đặc biệt là Quảng Ngãi như ông, vào trọ, bán hủ tiếu, đậu phộng, bánh tráng dạo rất nhiều. Riêng hẻm ông ở có đến 3 xe hủ tiếu. Và dù đã được mở bán trở lại nhưng hai xe kia về quê tránh dịch vẫn chưa vào.
Vợ chồng ông chọn ở lại vì đằng nào tiền trọ cũng phải đóng, đi đi lại lại tốn kém. Nghỉ bán chỉ đúng một tuần, ông cùng vợ nóng lòng mở bán hủ tiếu mang về. Mở bán bữa đầu, hai vợ chồng bán được 10 tô, lỗ gần 500.000 đồng. Sang bữa nữa, họ bán được nhiều hơn nhưng vẫn lỗ, họ nghỉ bán. Mãi đến hết lịch giãn cách xã hội đợt hai, vợ chồng ông mới dám nấu bán lại.
"Đợt này xe cộ chạy lại, khách cũng đông hơn rồi chú ơi. May răng trời thương, dịch hết sớm, chớ chết đứng. Mong sau cơn mưa thì trời lại sáng" - ông Nam tâm sự.
Bà Tháu trong phòng trọ nghèo của mình - Ảnh: CÔNG TRIỆU |
Và đợt giãn cách xã hội vì dịch bệnh đã qua nhiều ngày rồi, nhưng chúng tôi vẫn còn cảm nhận được niềm vui "mở cửa" của nhiều người nghèo phải mưu sinh ngoài đường phố. Cô Nguyễn Thị Chắc cùng đứa con 7 tuổi đã tươi tỉnh hơn khi kể lại 3 tuần căng thẳng: "Ngay sau tuần đầu tiên không được đi bán vé số, tui đã phải mượn tiền để mẹ con sống qua ngày. Nhưng đó là mượn nóng bên ngoài, chứ biết trông đâu giờ? Tui hỏi 2 triệu, thế chấp bằng chính chứng minh nhân dân. Tính sơ lãi khoảng 20%/tháng".
Cô Chắc tâm sự những ngày được đi bán vé số trở lại này ai cũng vui lắm, dù vẫn còn rất ế ẩm so với trước tết.
"Hồi chưa xảy ra dịch, tụi tui siêng đi ngày đi đêm thì có thể kiếm được 200.000 - 300.000 một ngày, giờ ráng lắm cũng chỉ bán được phân nửa, thậm chí có người không nổi một phần ba. Nhưng dù sao cũng đỡ hơn nằm co ro không kiếm ra đồng nào ở nhà trọ" - ông Hai Hùng, một "đồng nghiệp" của cô Chắc, góp chuyện mưu sinh mùa dịch.
Xóm trọ nghèo nằm tít sâu trong hẻm đường Đất Mới, quận Bình Tân, của họ mấy ngày này đã chộn rộn tiếng người, khác hẳn không khí im lìm hồi giãn cách xã hội.
Những cảnh đời lao động nghèo bình thường đã chật vật kiếm sống từng ngày, dịch bệnh xảy ra làm họ càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những trải lòng chân tình, chúng tôi rất cảm động khi ít nghe lời than van, bế tắc. Những người bán vé số dạo như ông Hai Hùng, cô Chắc kể chuyện mưu sinh đang gặp khó, nhưng họ cũng cho biết sẽ "siêng đi mần hơn" để lấy mồ hôi bù đắp ế ẩm. Những người thợ hồ thiếu việc như ông Tư Hoàng thì tâm sự sẽ tiết kiệm tối đa để chờ "ngày mai trời lại sáng".
"Được an ủi là anh em mần ăn nghèo gắn bó nhau lắm. Ông nào có việc xây xiếc ở đâu lại hú tui. Hay anh em nào có chút tiền cũng san qua cho mình sống tạm, khi nào đi làm được sẽ trả lại", người thợ hồ già Tư Hoàng trải lòng. 63 tuổi, đời ông đã nếm nhiều thăng trầm, thậm chí đói ăn, và ông cũng tin rằng đợt khó khăn này rồi sẽ qua thôi.
Dè sẻn từng miếng ăn Mỗi ngày, bà Tháu chỉ dám ăn chừng 20.000 đồng. Thu chi tất cả đều được bà ghi chép chi tiết vào cuốn sổ ố màu kê đầu giường. "Giờ dịch dã đỡ rồi, chắc làm thêm năm, hai năm nữa rồi về thôi chứ khổ lắm chú ơi. Có ai chồng làm thuê ở Đắk Lắk, con cái làm công nhân ở Bình Dương, còn mình thì lưu lạc ở Sài Gòn như mình mô", bà Trúc thủ thỉ. |
Theo CÔNG TRIỆU - MẠNH DŨNG (TTO)