Xông trị bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thời tiết chuẩn bị chuyển mùa khiến người ta dễ bị cảm, sụt sịt mũi họng. Nhiều người thường dùng cách xông bằng cây lá để chữa bệnh. Nhưng nhà chuyên môn có khuyến cáo trường hợp nào thì không được xông.
 

Lá tía tô, lá lốt, vỏ bưởi... thường dùng làm nguyên liệu cho nồi xông
Lá tía tô, lá lốt, vỏ bưởi... thường dùng làm nguyên liệu cho nồi xông


Những loại cây lá thường dùng

Theo lương y, dùng cây lá để làm nồi xông là phương pháp cổ truyền có từ lâu, đem lại hiệu quả và rẻ tiền, tiện lợi nhất là ở vùng quê. Thường thì người ta dùng kết hợp vài loại trong số các vị thuốc như: lá tía tô, lá lốt, lá sả, lá gừng, bạc hà, kinh giới, hương nhu, lá chanh, bưởi (lá, vỏ của trái), cam, quýt... Nói chung là những cây lá có chứa nhiều tinh dầu, có tính kháng khuẩn, tiêu viêm, có các hoạt chất như eugenol, limonen, phellandren... giúp sát trùng đường hô hấp khi bốc hơi bởi đun nóng.

Chẳng hạn, để chữa cảm cúm thì dùng nồi xông gồm lá gừng, lá tía tô, lá sả, lá chanh... xông cho ra mồ hôi, lau khô cơ thể xong uống chút nước nấu từ gừng củ thái lát, cam thảo lá, vỏ cam quýt. Cách này chữa cảm cúm, nghẹt mũi rất hay.

Cách nấu nồi xông như sau: cho những vị cây lá, vị thuốc vào nồi đổ chừng 2 - 4 lít nước (nước ngập lên trên mặt nguyên liệu là được), đậy kín nắp nồi, nấu sôi, đợi thêm một chút nữa là được. Khi xông mở hé nắp nồi để hơi thuốc thoát ra từ từ vừa đủ, không quá nóng. Trùm kín khi xông, khi cơ thể ra nhiều mồ hôi thì ngưng. Xông xong phải dùng khăn khô và sạch để lau khô cơ thể, thay quần áo và nằm nghỉ nơi không có gió.

Những lưu ý

Lương y Phạm Như Tá lưu ý với những trường hợp đang có sốt cao, sốt xuất huyết, đang mang thai, mới sinh con, cơ thể mất nước do tiêu chảy, cơ thể đang ra nhiều mồ hôi, người suy nhược, đang hành kinh, người mới qua một cơn bệnh, người già yếu mệt mỏi thì không nên dùng nồi xông. Không tắm liền sau khi xông. Mỗi tuần chỉ xông 1-2 lần, không xông liên tục khiến cơ thể mất nước.

Ngoài ra, với những trường hợp hay bị bệnh tai mũi họng cũng không được tự ý mua máy và thuốc về tự xông, bởi việc xông bằng tân dược cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa về liều lượng thuốc pha thích hợp để không gây hại cũng như khiến cơ thể bị lờn thuốc.

Mai Thương (theo Thanhnien)

Có thể bạn quan tâm