Người con nào cũng muốn có một mái ấm, được chăm sóc và chở che trong vòng tay ấm áp của mẹ cha. Nhưng có những đứa trẻ vì lý do nào đó các em trở thành những đứa trẻ bất hạnh…
Huyện Kông Chro (Gia Lai) được coi là “điểm nóng” của vấn nạn tự tử. Đa số các vụ tự tử xảy ra ở đối tượng là người dân tộc thiểu số và hầu hết đều xuất phát từ những lý do rất… không đâu: Vợ chồng giận nhau- tự tử; vợ (chồng) chết- người còn lại cũng tự tử; thậm chí anh em trong nhà lớn tiếng với nhau, hay gặp cảnh túng quẫn, nghèo khó... cũng tìm đến cái chết để giải thoát. Và đằng sau những cái chết nông nổi ấy là nỗi đau của người thân. Chua xót hơn, với những người làm cha, làm mẹ đằng sau sự giải thoát của họ, là gánh nặng, là sự thiệt thòi không dễ gì bù đắp cho những đứa con đứt ruột sinh ra.
Câu chuyện đau lòng
Suanh, Suêch và đứa con út của vợ chồng Avóch. Ảnh: Lê Hòa |
Sau khi cha mẹ mất, ba đứa con của anh trai, đứa lớn- Đinh Văn Suanh chưa đầy 8 tuổi đã phải nghỉ học ở nhà vừa chăn bò, vừa trông mấy đứa em, nấu cơm, gùi nước...
Đau lòng không kém khi phải chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ vì tự tử, cũng diễn ra đối với 3 anh em Đinh Văn The (6 tuổi), Đinh Văn Thiên (4 tuổi) và Đinh Thị Thư (2 tuổi) ở xã An Trung (huyện Kông Chro). Một người bà con xa đã đứng ra nhận nuôi các em. Cùng với 5 đứa con nhỏ của người bà con, tổng cộng, họ phải nuôi một lúc 8 đứa trẻ.
Cần lắm sự chung tay của cộng đồng
Bố mẹ Suanh, Suêch và Rap chết, theo phong tục của người Bahnar, chú Avóch là người đứng ra thay anh chị mình nuôi các cháu. Với 5 sào lúa trồng hai vụ và 1 ha mì mỗi năm, cộng với khoản tiền tuất mỗi tháng 1 triệu đồng của 3 anh em Suanh, vợ chồng Avóch và Gắp phải lo liệu đến... 5 đứa trẻ thơ.
Người mẹ trẻ Gắp cùng lúc cho cả hai đứa con khát sữa bú. Ảnh: Lê Hòa |
Quả thực, hiếm có người chú nào lại coi con của anh như con đẻ của chính mình. Giữa xô bồ cuộc sống, nơi thôn làng heo hút và nghèo khó lại có được những tấm lòng thảo thơm và nặng tình như thế. Một cán bộ Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện thấy vậy đã xin nhận một bé về làm con nuôi nhưng Avóch đã từ chối.
“Ở huyện Kông Chro này, những đứa trẻ có hoàn cảnh như Suanh, Suêch và Ráp không phải là ít. Đáng mừng là dù khó khăn nhưng hầu hết các cháu đều được người thân, gia đình chăm sóc. Tuy vậy, dù yêu thương đùm bọc, các cháu vẫn chịu nhiều thiệt thòi do cuộc sống của những gia đình này phần lớn còn khó khăn. Cần lắm những tấm lòng hảo tâm, rộng mở của cộng đồng và xã hội dành cho các cháu. Mỗi sự góp sức chung tay sẽ giúp các cháu vượt qua khó khăn, bù đắp những thiệt thòi mà các cháu đã sớm phải gánh chịu”- ông Văn Phú Thọ- Trưởng phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Kông Chro, chia sẻ.
Nhân Tháng Hành động vì trẻ em, tối 3-6, Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức đêm giao lưu quyên góp gây quỹ ủng hộ các cháu tàn tật, trẻ mồ côi. Mọi tấm lòng hảo tâm xin gửi tới Báo Gia Lai- 2A Hoàng Văn Thụ- TP. Pleiku hoặc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Gia Lai, 02 Hai Bà Trưng-TP. Pleiku. Quý vị cũng có thể ủng hộ trực tiếp tại buổi giao lưu gây quỹ.
|
Lê Hòa