(GLO)- Tôi là người gốc Bắc. Dẫu thời gian sống ở Gia Lai dài gấp nhiều lần thời gian gắn bó với quê hương nhưng quê hương luôn là một phần rất quan trọng trong tôi. Tôi luôn tự hào vì trong mình có hai nét tính cách của hai vùng đất, một là đất Bắc-nơi sinh ra tôi và một là Gia Lai-nơi nuôi dưỡng tôi trưởng thành như bây giờ.
Còn nhớ những ngày đầu, khi Công viên Đồng Xanh khai trương và đưa vào sử dụng, phục vụ du khách đến tham quan những công trình kiến trúc mô phỏng Đền Hùng với tượng của 18 vị Hùng Vương, Chùa Một Cột, Văn Miếu Quốc Tử Giám… tôi đã đưa ngay các con đến và vận dụng những kiến thức học được qua sách vở để giới thiệu cho các con về những địa điểm mô phỏng mà chúng đang được nhìn thấy. Và trong lòng tôi dấy lên ước mơ rằng, một ngày nào đó sẽ có dịp đưa các con mình đến những nơi mà chúng đang được quan sát kia, cũng là trở về với đất Bắc, với cái nôi văn hóa Bắc bộ đã chảy trong dòng máu của tôi, để dòng máu ấy tiếp nối qua thế hệ sau...
Ảnh minh họa. |
Tôi có khá nhiều bạn bè người Bắc, cả người Bắc đang sinh sống trên đất Bắc và những người gốc Bắc xa xứ như tôi. Trong số những người gốc Bắc mà tôi biết, nhiều người cực kỳ tài hoa. Đó là một cô giáo dạy mỹ thuật, đồng thời là một họa sĩ tài năng, tranh của chị liên tục được trưng bày ở các triển lãm, được bạn bè trong và ngoài nước ưa chuộng; chị còn làm thơ khá hay, đã có thơ in ở nhiều báo và tạp chí. Tưởng thế là hết, ai ngờ một lần, tôi còn giật mình khi xem một chương trình trên truyền hình, thấy chị xuất hiện để… ngâm thơ, giọng ngâm trầm bổng rất truyền cảm. Hay như một thầy giáo khác, vừa dạy học, vừa viết văn, viết báo, lại vừa vẽ tranh, viết thư pháp, tâm hồn luôn lạc quan yêu đời dẫu đang phải chống chọi lại với bệnh tật. Và ngay cả cha tôi nữa. Ông vẫn là một điển hình của người đàn ông xứ Bắc theo những gì tôi biết, nhưng cũng đã lại rất Tây Nguyên trong nếp nghĩ của tôi. Những con người như cô giáo dạy Mỹ thuật, như thầy giáo dạy Văn, như cha tôi, đã góp phần giữ lại phảng phất quanh tôi những gì rất thân thuộc của quê nhà.
Ngày ngày lên lớp, tôi vẫn đang truyền lại cho học trò những kiến thức thuộc về lịch sử, trong ấy có một phần lịch sử đất Bắc. Tôi thường nói với học trò về vùng đất ấy không chỉ với tất cả niềm yêu thương, tự hào về nơi tôi đã sinh ra, mà còn bằng cả những ký ức, kỷ niệm, nỗi nhớ luôn thường trực. Dẫu thời gian có trôi đi bao lâu chăng nữa, miền đất ấy luôn là một hoài niệm đẹp để tôi hướng về.
ĐÀO AN DUYÊN