Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Xử lý nghiêm vi phạm, không 'rút kinh nghiệm' chung chung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: TTXVN
"Nơi nào tự kiểm tra không phát hiện, hoặc phát hiện nhưng xử lý vi phạm nương nhẹ, thì cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý đúng mức, không “rút kinh nghiệm” chung chung”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Sáng 23.1, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2018, bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2019.
Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã cho thấy, năm 2018, cấp ủy, tổ chức Đảng và ủy ban kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra trên 14 vạn tổ chức Đảng và hơn 30 vạn Đảng viên; giám sát trên 6 vạn tổ chức Đảng và hơn 17 vạn Đảng viên; thi hành kỷ luật trên 4 nghìn tổ chức Đảng và hơn 17 nghìn Đảng viên…
Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, việc kiểm tra, giám sát không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ. Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm; làm rõ nhiều vi phạm rất nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị thi hành kỷ luật nghiêm minh nhiều cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Cùng với đó, cơ quan này cũng đấu tranh, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực....; đặc biệt, đã kiểm tra Đảng viên có dấu hiệu vi phạm về quan điểm chính trị, có những bài viết, phát ngôn trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng cần phải thẳng thắn, nghiêm túc rút kinh nghiệm về những hạn chế, khuyết điểm trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.
“Không ít địa phương, cơ quan, đơn vị tiến hành kiểm tra, giám sát còn chiếu lệ, hình thức, chưa quyết liệt; hiệu lực, hiệu quả chưa cao, chưa đủ sức răn đe; việc đấu tranh với những vi phạm vẫn còn tồn tại tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy, ngại va chạm. Việc chủ động nắm tình hình và xử lý vi phạm ngay từ khi mới phát sinh vi phạm còn hạn chế”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Cùng với đó, theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, một số cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu cấp uỷ chưa coi trọng đúng mức công tác kiểm tra, giám sát, chưa kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo và đích thân thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; nội dung chương trình kiểm tra, giám sát chưa thực sự đi vào các lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm; cấp cơ sở chuyển biến chưa mạnh, chưa có những vụ việc trọng tâm, trọng điểm, điển hình.
“Một số cấp uỷ chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện cho uỷ ban kiểm tra thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Công tác kiểm tra, giám sát đối với cấp uỷ viên cùng cấp, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt chưa nhiều. Sự phối hợp với các cơ quan có liên quan, như: thanh tra, kiểm toán, công an, viện kiểm sát, toà án…chưa hiệu quả như mong đợi”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Chính vì còn những tồn tại, hạn chế nêu trên, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng tình hình vi phạm của tổ chức Đảng, của cán bộ, Đảng viên, nhất là tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... còn diễn biễn phức tạp.
Năm 2019, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng để làm cho Đảng ngày càng trong sạch, đủ uy tín để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn cách mạng mới.
“Cần quyết liệt hơn công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết, kiên trì, không được tự thoả mãn với những kết quả đã đạt được; tiến hành kiểm tra, giám sát một cách thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ, trọng tâm là kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm”, Chủ tịch Quốc hội nói và nhấn mạnh, đảng viên ở bất cứ cương vị công tác nào vi phạm đều phải xử lý nghiêm.
“Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Nơi nào tự kiểm tra không phát hiện, hoặc phát hiện nhưng xử lý vi phạm nương nhẹ thì cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý đúng mức, không “rút kinh nghiệm” chung chung”, Chủ tịch Quốc nội nói.
Đặc biệt, theo bà Chủ tịch Quốc hội, cần tập trung kiểm tra toàn diện công tác tổ chức, cán bộ, đặc biệt nhân sự chuẩn bị cho đại hội Đảng bộ các cấp; chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ có biểu hiện tham nhũng; có nhiều phản ánh, tố cáo tham nhũng; lạm dụng, lợi dụng quyền lực để tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong công tác cán bộ.
“Cán bộ kiểm tra luôn phải đối mặt, đấu tranh với những sai phạm, tiêu cực của đồng chí, đồng đội và cả những người thân; luôn phải đấu tranh với chính mình để không phạm phải những cám dỗ đời thường. Đó là thách thức không nhỏ. Song, mỗi cán bộ kiểm tra phải có phẩm chất đạo đức trong sáng, có bản lĩnh chính trị…đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Lam Thanh (MOTTHEGIOI.VN)

Có thể bạn quan tâm