Xử lý rác ở các con hẻm còn nhiều bất cập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vì nhiều lý do thiếu kinh phí, thiếu nhân lực, chưa đa dạng phương tiện vận chuyển nên chưa thể mở tuyến ở tất cả các con hẻm trong thành phố, do vậy tình hình thu gom rác vẫn là vấn đề bức xúc của nhiều hộ dân…

Thu gom rác. Ảnh nguồn internet

“Những tưởng ở vùng ven, vùng nông thôn mới có tình trạng vứt rác bừa bãi ra đường, ai dè giữa lòng thành phố mà lại là trên những con phố lớn vẫn luôn tồn tại những bãi rác, thật quả là mất mỹ quan đô thị. Sống ở thành phố hàng mấy chục năm nay mà vẫn phải tự đem rác lên đầu đường để bỏ hoặc phải tự xử lý bằng cách chôn lấp tại vườn. Nhiều lúc chở bao rác đi cứ như kiểu mình đổ trộm, nên chỉ dám đi ban đêm. TP. Pleiku đang phấn đấu trở thành đô thị xanh-sạch-đẹp, tuy nhiên việc tồn tại những đống rác ngay trên đường lớn-con đường dẫn vào trung tâm TP. Pleiku trông rất mất mỹ quan”-cô Hoa, người dân ngụ tại một con hẻm ở đường Chi Lăng (phường Hoa Lư), tỏ ra bức xúc.

Cô cho biết, khu vực cô sinh sống có đến hơn 60 hộ dân, tuy con hẻm hơi dốc, nhưng có chỗ quay đầu xe. Ô tô, ngay cả xe tải vẫn lưu thông bình thường, mà cớ gì không có phương tiện gom rác nào xuống được. Ở phố nhưng hàng ngày các hộ dân phải chở xe máy đi khoảng gần 500 mét ra đầu hẻm 96 Phạm Văn Đồng tập kết rác ở đó.

Cách đó không xa là điểm tập kết rác ở góc đường Tôn Thất Thuyết-Phạm Văn Đồng. Điểm này cũng được dân “góp sức” chất rác thành đống. Theo quy định, những khu vực nào chưa được thu gom rác tận nhà thì các hộ dân phải mang đến điểm tập kết để công nhân môi trường đến gom. Nói là vậy, song có những bữa, lượng rác quá lớn, việc thu gom chưa kịp thời, do đó không tránh khỏi mùi hôi mỗi khi đi ngang qua, dù là rác đã được bọc trong túi nilon cẩn thận trước khi vứt. Đó chỉ là 2 trong số tuyến đường có hẻm chưa được thu gom rác tận nơi ở trong nội thành.

Hiện tại, khu vực nội thành và một số xã vùng ven TP. Pleiku, lượng rác thải thu gom được 90%, với khối lượng khoảng 130 tấn rác thải/ngày. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay được ông Nguyễn Thanh Huấn-Giám đốc Xí nghiệp Môi trường (Công ty TNHH một thành viên Công trình Đô thị Gia Lai) lý giải là do nguồn lực chưa đủ để thu gom ở tất cả tuyến hẻm và một số xã vùng ven. Muốn thu gom hết rác trên địa bàn thì phải có phương tiện và kinh phí. Cứ mở ra một tuyến phải cần thêm lực lượng lao động và phương tiện. Hiện nay, có 10 đầu xe vận chuyển nhưng khoảng 50% trong số đó gần hết niên hạn sử dụng.

“Có một thực tế, hiện nguồn thu phí vệ sinh môi trường mới chỉ đáp ứng chưa đến 1/3, tương ứng thu 9,5 tỷ đồng trên tổng kinh phí hoạt động 32 tỷ đồng, còn lại là kinh phí từ ngân sách, tuy nhiên, nguồn ngân sách cũng mới chỉ cấp 80% trong số đó. Năm 2015, khối lượng rác thải thu gom được 46.900 tấn nhưng chỉ thanh toán được 30.000 tấn, còn lại Công ty phải tự cân đối. Trong khi đó, mỗi năm lượng rác thải đều tăng trung bình 10-15%, mà kinh phí cấp lại không tăng”-ông Huấn cho biết thêm.

Theo những người công tác trong ngành đô thị, chuyện gom rác mặc dù trách nhiệm chính vẫn là Công ty TNHH một thành viên Công trình Đô thị Gia Lai, nhưng cùng với đó cần phải có sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Nếu người dân có ý thức tốt trong việc giữ gìn vệ sinh chung thì dù ở những nơi mà xe lấy rác không đến được, người dân vẫn có thể tự tổ chức thu gom và mang đi đổ vào các thùng chứa rác. Tuy nhiên, về lâu dài, phải thừa nhận rằng cần có giải pháp tích cực hơn đối với chuyện xử lý rác ở những con hẻm. Ở một số thành phố lớn, để giảm quá tải trong công tác thu gom rác của các đơn vị công lập, việc xã hội hóa công tác thu gom rác thông qua các đội thu gom rác dân lập, đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực, nhờ đó vấn đề rác thải được giải quyết triệt để.

Vũ Thảo

Có thể bạn quan tâm