Theo bà Võ Thị Thùy Ngân-Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh, mô hình “Thu gom, xử lý, tái sử dụng chất thải hữu cơ” được triển khai tại xã Ia Phang (huyện Chư Pưh) với quy mô 60 hộ dân tham gia. Sau khi được tập huấn, người dân bắt đầu áp dụng vào thực tiễn từ giữa tháng 11-2024.
Mô hình giới thiệu đến bà con nông dân phương pháp dùng chế phẩm sinh học Bio Grow làm chất xúc tác nhanh quá trình phân hủy làm phân hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp (chất thải chăn nuôi, bã mì, vỏ cà phê…).
Mô hình hướng đến thực hiện các mục tiêu như: tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm thiểu sử dụng phân bón hóa học trong nông nghiệp và ô nhiễm môi trường.
Việc ứng dụng chế phẩm sinh học để làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi còn giúp môi trường sống của gia súc, gia cầm luôn sạch sẽ, tránh được các mầm bệnh gây hại.
“Chúng tôi hỗ trợ mỗi hộ 4 lít chế phẩm sinh học Bio Grow để ủ theo quy trình đã được hướng dẫn. Mô hình thu hút các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Từ đó, kỳ vọng thay đổi được phương thức sản xuất truyền thống của người dân theo hướng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn và đảm bảo môi trường”-bà Ngân cho biết.
Gia đình anh Lê Viết Đen (làng Plei Briêng) là một trong những hộ dân áp dụng mô hình này vào sản xuất nông nghiệp. Anh Đen chia sẻ: “Vườn của gia đình rộng khoảng 1,5 ha, trồng cà phê và nhiều loại cây khác như cau, chuối… và nuôi 12 con bò. Sau buổi tập huấn tại xã, tôi đã áp dụng vào vườn nhà.
Theo hướng dẫn, tôi dùng phân bò trộn với vỏ cà phê và rơm, rắc thêm vôi. Sau đó, rải đều chế phẩm sinh học Bio Grow theo đúng tỷ lệ và tiến hành ủ trong 30 ngày là có thể sử dụng”. Anh Đen cho rằng, hình thức ủ này sẽ hạn chế mầm bệnh gây hại cho cây trồng và còn tiết kiệm được chi phí mua phân bón.
Còn anh Lê Văn Toàn (thôn Hòa Lộc) thì cho hay: “Gia đình tôi chăn nuôi bò. Vậy nên, khi có chế phẩm sinh học, tôi tiến hành ủ phân bò để bón cho cây trồng. Trước kia, tôi thường chỉ ủ đơn giản với rơm nên phân chưa đủ hoai mục, không đủ dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng.
Khi áp dụng mô hình này, người dân sẽ thay đổi tư duy sản xuất, biết cách thu gom, xử lý chất thải gia súc, gia cầm để làm phân hữu, vừa tiết kiệm chi phí đầu tư sản xuất nông nghiệp vừa giải quyết tốt vấn đề môi trường”.
Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND xã Ia Phang đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với cán bộ thôn, làng để vận động các hộ tham gia mô hình nâng cao nhận thức, có trách nhiệm thực hiện đúng theo quy trình của mô hình.
Bà Lê Thị Như Lai-Công chức Địa chính-Nông nghiệp xã Ia Phang-cho biết: “60 hộ dân tham gia mô hình đã tích cực thảo luận với cán bộ kỹ thuật để triển khai thực hiện quy trình ủ đảm bảo theo đúng hướng dẫn. Qua kiểm tra cho thấy, các hộ dân đã làm tốt quy trình và không gặp phải khó khăn nào khác”.
Cũng theo bà Lai, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục hưởng ứng các chương trình, giải pháp ứng dụng KH-CN, đưa kỹ thuật canh tác tiên tiến, phương pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường vào đời sống sản xuất; phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững; khuyến khích việc sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP…
Có thể thấy, mô hình “Thu gom, xử lý, tái sử dụng chất thải hữu cơ” là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp bà con nông dân sản xuất tuần hoàn, hướng đến một nền kinh tế xanh theo đúng định hướng phát triển nông nghiệp hiện nay.
Việc thu gom, xử lý, tái sử dụng chất thải hữu cơ mang lại cho người nông dân nguồn phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do phế thải chăn nuôi gây ra.
Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh cho biết thêm: Sau khi triển khai tại xã Ia Phang, Trung tâm sẽ tiến hành đánh giá và khắc phục những điểm chưa đạt để tiếp tục nhân rộng mô hình.
Trên cơ sở mô hình này, người dân cũng sẽ tự rút kinh nghiệm, áp dụng cho phù hợp với quy mô trồng trọt, chăn nuôi và điều chỉnh lượng phân bón cho từng loại cây trồng để cây đạt năng suất cao.
“Với chủ trương, định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh như hiện nay, thời gian tới, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh sẽ phổ biến rộng rãi phương pháp xử lý chất thải hữu cơ bằng chế phẩm sinh học đến người dân nhằm góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường”-Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh nhấn mạnh.