Multimedia

Emagazine

Infographic Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ: Nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường

Xuất phát từ niềm đam mê với nông nghiệp sạch, ông Phan Văn Chạo (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã tìm tòi, học hỏi và áp dụng các phương thức sản xuất tiên tiến để vườn cây của gia đình luôn xanh tốt, cho năng suất cao.

Ông Chạo cho biết: Việc canh tác theo quy trình sạch tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng cao. Do đó, thị trường tiêu thụ rộng hơn, đem lại thu nhập và hiệu quả cao hơn trên một đơn vị diện tích. Với 6 ha cà phê xen canh các loại cây ăn quả như: sầu riêng, bơ, chôm chôm, gia đình thu về khoảng 600 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Việc thay đổi thói quen trong sản xuất nông nghiệp cũng đã giúp gia đình ông Lê Hùng Huấn (thôn An Điền, xã Ia Blang, huyện Chư Sê) nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Với hơn 18 ha hồ tiêu, cao su, sầu riêng, bưởi… ông chú trọng chăm sóc theo hướng hữu cơ.

Ông Huấn chia sẻ: “Một trong những biện pháp được tôi áp dụng là để cỏ mọc tự nhiên dưới gốc cây. Ngoài ra, tôi gần như chỉ sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây trồng. Mỗi năm, 8 ha hồ tiêu cho thu hoạch ổn định khoảng 20 tấn. Còn các loại cây trồng khác đang phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch”.

Ông Nguyễn Văn Khôi-Chủ tịch UBND xã Ia Blang-thông tin: Thời gian qua, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, VietGAP… Bà con nông dân cũng đã từng bước tạo chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Theo Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2023-2030, Gia Lai sẽ phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững và thân thiện với môi trường sinh thái. Đề án đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5-2% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt trên 1% tổng diện tích đất trồng trọt; tỷ lệ thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học được sử dụng đạt trên 30%.

Đến năm 2030, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt trên 5% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt trên 2% tổng diện tích đất trồng trọt.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa cho biết: “Toàn tỉnh hiện có khoảng 255.668 ha cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO (chiếm 41,5% tổng diện tích gieo trồng).

Để tiếp tục phát triển nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Cường-Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ-cho rằng: Để đạt được tiêu chuẩn nông nghiệp xanh thì cần tuân thủ một số nguyên tắc như: sử dụng phân bón hữu cơ và biện pháp canh tác tự nhiên để cải thiện độ màu mỡ của đất; quản lý nguồn nước tưới hiệu quả và bền vững, tránh ô nhiễm môi trường; sử dụng giống cây trồng kháng bệnh, có khả năng sinh trưởng tốt trong điều kiện địa phương, ưu tiên giống hữu cơ hoặc giống được cấp chứng nhận; áp dụng các biện pháp canh tác hữu cơ như luân canh, xen canh, sử dụng cây che phủ để bảo vệ đất…

Cùng với đó, sử dụng các biện pháp sinh học để kiểm soát sâu bệnh, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây trồng; ghi chép đầy đủ quá trình sản xuất, từ khâu chọn giống đến thu hoạch để đảm bảo truy xuất nguồn gốc…

Việc tuân thủ tiêu chuẩn canh tác theo hướng nông nghiệp hữu cơ không chỉ giúp người nông dân sản xuất ra những sản phẩm an toàn mà còn tăng khả năng cạnh tranh của nông sản địa phương trên thị trường.

Chính vì thế, bà con nông dân cần trau dồi kiến thức, áp dụng vào thực hiện canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất; chung tay xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững.

"Sở sẽ chuyển tải những thông tin về chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước, đồng thời giữ vai trò cầu nối giúp người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh việc áp dụng các tiêu chuẩn trong sản xuất nông nghiệp”-Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm