Các biểu hiện chính của ngộ độc rượu?
Khi bị ngộ độc rượu, nạn nhân sẽ giảm và mất khả năng vận động tự chủ, không điều khiển được hành vi, nói líu lưỡi, gọi nhầm tên người... Khi cơ thể không còn chuyển hóa được, rượu uống vào sẽ bị nôn ra. Những trường hợp ngộ độc quá nặng, rượu sẽ ức chế trung tâm hô hấp và gây ngừng thở. Người uống có thể nguy hiểm tới tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Cách xử trí khi bị ngộ độc rượu
Trước hết, cần cho người say uống một lượng nước ít nhất cũng bằng lượng rượu uống vào để pha loãng nồng độ rượu trong cơ thể và giúp cho quá trình đào thải rượu được nhanh chóng và thuận lợi. Sau đó, tìm cách gây nôn hết, sau đó xát mạnh hai bên má. Có thể áp dụng một trong những bài thuốc sau đây:
Bài 1: Chanh tươi 1 quả, vắt lấy nước cho uống hoặc thái mỏng cho ăn luôn cả quả càng tốt.
Bài 2: Lá dong (hay được dùng để gói bánh chưng) 100-200 g rửa sạch, giã nát vắt lấy nước cho uống.
Sau đó, cho uống một cốc sữa nóng, trà đặc. Cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và đặt nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa). Tư thế nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái. Nếu có biểu hiện bất thường như co giật, thở không đều, ngã chảy máu tai, mắt, loạn nhịp tim phải đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Phòng ngừa ngộ độc rượu
Tuyệt đối không uống rượu khi đói. Không uống rượu có nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng hoặc khi uống thuốc điều trị bệnh. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.
Mai Thương (theo skđs)