Thời sự - Bình luận

Xử vụ ông Trần Văn Nam, nhưng phải thu hồi được tiền tham ô, thất thoát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Trần Văn Nam - cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương - cùng nhóm cựu lãnh đạo tỉnh này và nhiều cá nhân bị cáo buộc gây thất thoát hơn 5.000 tỉ đồng vụ bán rẻ “đất vàng”.
 
Cựu Bí thư Trần Văn Nam và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm có sai phạm đặc biệt nghiêm trọng trong vụ đất vàng ở Bình Dương rơi vào tay tư nhân. Ảnh: Đình Trọng và BCA
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, ngoài  ông Trần Văn Nam, còn có 27 bị can khác, trong đó hàng loạt cựu lãnh đạo, lãnh đạo Bình Dương cũng bị truy tố gồm: Phạm Văn Cành - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND; Trần Thanh Liêm - Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thanh Trúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh… về các tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", "Tham ô tài sản".
Cộng các vụ sai phạm, con số thất thoát hơn 5.000 tỉ đồng.
Nhưng đó là con số của cáo trạng, còn truy tố ra tòa, làm rõ và có kết luận của Hội đồng xét xử sau khi xem xét các chứng cứ công khai tại tòa.
Đưa ra số tiền thất thoát phải có căn cứ chứng minh, không bỏ sót người lọt tội và cũng không thêm tội cho ai. Trong gần 30 cán bộ liên quan đến vụ án, ai là người tham ô, tham ô bao nhiêu, ai là người gây thất thoát, lãng phí, thất thoát lãng phí bao nhiêu, làm cho rõ. Chúng ta chờ đợi kết luận của Hội đồng xét xử bằng một bản án có hiệu lực pháp luật.
Làm cho rõ để thu hồi tài sản, cán bộ nào tham ô bao nhiêu phải trả lại, không thiếu một cắc. Tham ô dễ xác định, thất thoát, lãng phí khó xác định. Cho nên, cán bộ nào gây thất thoát bao nhiêu, phải căn cứ theo quy định của pháp luật để bắt buộc thực hiện bồi thường thiệt hại. Nếu làm sai, dẫn đến mất số tiền lớn, gây hậu quả nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước, mà chỉ "ở tù" thì rất vô lý.
Không để ai bị hàm oan, nhưng không cho ai có cơ hội giữ lại tài sản có được từ những việc làm bất chính. Những chiêu thức lợi dụng con dấu của chính quyền để biến đất công thành đất tư không đơn giản chỉ là "sai sót", mà đằng sau là các cuộc ăn chia. Đây là tài sản của nhà nước, tức cũng là của dân.
Vì thế, người dân theo dõi các vụ án tham ô, tham nhũng, quan tâm đến xét xử đúng người đúng tội, nhưng điều quan trọng hơn là thu hồi tài sản tham nhũng. Tuyên phạt ai bao nhiêu năm tù đó là việc của tòa án, còn đối với nhân dân, kết quả của công cuộc phòng chống tham nhũng là phải lấy lại tiền của đã mất về tay nhân dân.
Theo Lê Thanh Phong (LĐO)
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/xu-vu-ong-tran-van-nam-nhung-phai-thu-hoi-duoc-tien-tham-o-that-thoat-1042060.ldo

Có thể bạn quan tâm