Thời sự - Bình luận

Xuân đoàn tụ, tết sum vầy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không phải ngẫu nhiên mà ngày 26-12-2023 vừa qua, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết lần đầu tiên công nhận Tết Nguyên đán (Lunar New Year) là ngày nghỉ lễ hàng năm của Liên hợp quốc.

Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc nhấn mạnh, Tết Nguyên đán là ngày lễ được kỷ niệm ở nhiều quốc gia thành viên, khuyến khích các cơ quan Liên hợp quốc không tổ chức họp vào ngày đầu tiên của năm mới âm lịch. Việc Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết nêu trên ngay trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024 không chỉ có nghĩa quan trọng với các nước chính thức kỷ niệm Tết Nguyên đán mà còn là tin vui cho gần 2 tỷ người dân trên toàn thế giới coi năm mới âm lịch là dịp lễ quan trọng nhất trong năm.

Cho đến hôm nay, ý nghĩa tết đoàn viên, tết sum họp vẫn còn vẹn nguyên trong tâm thức người Việt. Dù những chuyến tàu, chuyến xe ngày tết có đông đúc, chen chúc và vất vả như thế nào, dù khoảng cách địa lý xa xôi thì những người con đất Việt vẫn luôn có một ước mơ trở về sum họp bên những người thân yêu nhất của mình. Ngày 2-2 vừa qua, tại TPHCM đã diễn ra chương trình họp mặt kiều bào Xuân Quê hương 2024 mừng Xuân Giáp Thìn. Chương trình có sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu kiều bào từ khắp các châu lục, đại diện cho hơn 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài.

Tham dự chương trình, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, người Việt Nam ở nước ngoài dù thuộc thế hệ nào, ở bất cứ nơi đâu, đã là con Lạc- cháu Hồng đều “luôn là một phần máu thịt, một bộ phận không thể tách rời của Tổ quốc, luôn hiện hữu trong trái tim, tình cảm của đất nước, dân tộc Việt Nam”.

Chủ tịch nước nhận định, mặc dù sống xa Tổ quốc nhưng đồng bào luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa và hướng về nguồn cội, gắn bó với gia đình, quê hương, đất nước. Nhiều người đã có những đóng góp về tinh thần, vật chất và cả xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Với công nhân, người lao động xa quê, từ năm 2015, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động Chương trình Tết sum vầy. Trước đó, từ TPHCM, phong trào “Tấm vé nghĩa tình,” “Chuyến xe mùa xuân,” “Chuyến xe 0 đồng”... đã giúp hàng ngàn người có hoàn cảnh khó khăn đang học tập, mưu sinh tại TPHCM về quê sum họp mỗi năm. Các cấp công đoàn ở Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức hàng ngàn chuyến xe đưa công nhân về quê đón tết. Từ hoạt động chăm lo tết của tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên thành phố, đến nay phong trào này đã thu hút thêm nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia và ngày càng lan tỏa trong cộng đồng.

Tết còn là dịp để sẻ chia, san sẻ yêu thương. Những ngày giáp tết, tại nhiều tỉnh, thành, nhiều đơn vị, địa phương đã phối hợp triển khai các hoạt động vui xuân, trong đó chợ “0 đồng” cho người nghèo được triển khai sâu rộng, thể hiện tinh thần đoàn kết tương thân tương ái của người Việt Nam, lá lành đùm lá rách. Đến với chợ “0 đồng”, mỗi người dân có hoàn cảnh khó khăn sẽ được phát phiếu mua các mặt hàng thiết yếu phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình trong dịp tết. Dẫu chỉ là món quà nhỏ, chiếc áo ấm hay gói kẹo, hộp mứt thì việc san sẻ đó cũng đã mang nắng ấm mùa xuân về bên hộ nghèo và những mảnh đời bất hạnh. Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, truyền thống đùm bọc, nghĩa tình đó đã được TPHCM phát huy mạnh mẽ. TPHCM xác định chủ đề “Xuân yêu thương - Tết sum vầy” với tinh thần chăm lo tết chu đáo cho người dân.

Tinh thần đó đã tạo nên tình cảm ấm áp, sự sẻ chia được lan tỏa. Các địa phương chăm lo tết chu đáo cho người dân, không để ai không có tết, qua đó ngày tết trở nên ấm áp hơn với mọi người, mọi nhà…

Không khí đón xuân mới đang nhộn nhịp khắp nơi, nhà nhà đang chuẩn bị mâm cơm tất niên sum vầy. Năm mới Giáp Thìn sẽ chở đầy niềm vui và hạnh phúc đến mọi nhà!

Có thể bạn quan tâm