Xuân này ở Hà Tây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã từ lâu, cái Tết không phải là cái gì lạ lẫm nơi phố thị với người Bahnar ở xã Hà Tây, huyện Chư Pah nữa. Người Hà Tây bây giờ đã biết sửa sang dọn dẹp nhà cửa, biết sắm sửa quần áo mới cho lũ trẻ, biết làm những ghè rượu đón Tết ùa về…

Trở lại Hà Tây một ngày cuối năm, chưa bao giờ tôi lại thấy người dân nơi đây phấn khởi như vậy. Nét vui mừng rạng rỡ thể hiện ngay từ ngã ba Đak Tơ Ve, nơi đánh dấu địa phận của xã Hà Tây. Trước kia, mỗi ai đi vào xã Hà Tây khi đi đến đây lại chuẩn bị tinh thần để vượt qua quãng đường gần 15 km đầy trắc trở. Mùa mưa, con đường lầy lội bùn đất với nhiều “ao nước” nhỏ. Hà Tây gần như bị cô lập trong những ngày tháng mà cơn mưa tầm tã thối đất thối cát.

 

Không khí Tết đã tràn về Hà Tây. Ảnh: Văn Ngọc
Không khí Tết đã tràn về Hà Tây. Ảnh: Văn Ngọc

Khi cái nắng mùa khô buông xuống, nước bay đi để lại những cái hố trống huơ hoác nhưng những hố bom mini. Nắng xuống rồi rủ bụi về làm bạn với mình. Cái bụi khiến con đường mù mịt. Những ngôi nhà, hàng cây bên đường đều ám một màu vàng đặc sệt. Và thế, con đường ấy vô tình đã biến thành bức tường ngăn cách Hà Tây với… thế giới bên ngoài. Nông sản, hàng hóa bị ép giá cũng chỉ vì con đường. Người Hà Tây sợ đi ra khỏi vùng đất của mình đến nỗi nhiều người vài năm cũng không bước ra tới cổng làng.

Nhưng, năm nay là Xuân Ất Mùi rồi. Đó là mùa xuân đầu tiên người Hà Tây được sải bước trên con đường nhựa phẳng lì. Đường nhựa đã trải dài từ ngã ba Đak Tơ Ve rồi phủ lên cả con đường dọc trung tâm xã. Giờ đây, những người Bahnar ở vùng đất xa xôi này đã có thể đi một mạch đến phố thị Kon Tum hay Pleiku mà không phải dính một vệt đất. Tâm sự với tôi, nhiều người Hà Tây nói rằng, cái con đường tăm tắp ấy trước kia họ chưa từng dám mơ. Đến lúc bắt được con đường trong mơ rồi thì họ cũng chẳng tin được một ngày được vi vu trên đoạn đường ấy như bây giờ. Từ cái ngày những máy, những móc đồ sộ ở đâu kéo về san ủi thì người Hà Tây đã mở lòng háo hức lắm rồi. Và khi lớp đá cuối cùng được phủ xuống lớp nhựa, khi chiếc xe lu ì ạch đã làm xong công việc của mình, khi chiếc xe máy không còn chồm lên chồm xuống nữa họ mới biết đó không phải là giấc mơ. Con đường là thật. Cái Tết, cũng là thật.

 

Đường vào xã Hà Tây đã trải nhựa phẳng lì. Ảnh: Văn Ngọc
Đường vào xã Hà Tây đã trải nhựa phẳng lì. Ảnh: Văn Ngọc

Bao năm trời, người ta chờ đợi con đường ấy. Bởi vậy, không có lý gì mà họ không chuẩn bị một cái Tết thật to để ăn mừng một sự kiện lớn. Những ngày cuối năm, không khí Tết đã len lỏi vào từng con đường, từng nhà rông, trên những nhà sàn nho nhỏ. Đến nhà anh Nhai ở làng Kon Sơ Bai, tôi đã cảm nhận được cái hương vị Tết ở đâu đó. Hôm ấy là ngày anh tổ chức lễ thôi nôi cho đứa cháu ngoại của mình - một đứa bé kháu khỉnh không cha. Nhưng với Nhai, chỉ cần nhìn “thằng cu” ấy quấn quýt cười khóc vô tư bên mẹ nó là anh đã không còn tiếc gì nữa, anh phải tổ chức một cái lễ thôi nôi thật to cho nó.

Anh thuê dàn nhạc ở làng Kon Sơ Lăl, anh mổ lợn, anh mời bà con chòm xóm đến chung vui bên những ghè rượu thơm nồng để chia vui với gia đình mình. Nhai chỉ có 1ha mỳ vừa thu hoạch, căn nhà Nhai cũng chỉ nho nhỏ như bao căn nhà khác ở Kon Sơ Bai này, Nhai vẫn nằm trong danh sách hộ nghèo của xã. Nhưng với những người Bahnar ấy, chìm đắm trong không khí đầm ấm của xóm làng, trong nụ cười của đứa trẻ là đã đủ hạnh phúc lắm rồi. Với tôi, khi hòa nhập vào khung cảnh ấy, tôi lại tự hỏi: liệu giàu sang có mua được những niềm hạnh phúc đơn giản này chăng?

Rời nhà Nhai khi tiếng hát trong ngôi nhà nhỏ ấy vẫn vang lên văng vẳng khắp ngôi làng, tôi đến nhà rông làng Kon Măh. Tại đây, dân làng Kon Măh đã tụ tập về đây để tập văn nghệ cho ngày ngày thi văn nghệ giữa các làng sắp diễn ra. Dưới ánh điện mập mờ trước sân nhà rông, âm thanh của cồng chiêng, của đàn T’rưng, của tiếng hú hoang dại vang lên làm sống dậy không khí lễ hội giữa đêm. Ở đâu đó, trong những nhà thờ nguyện, người dân các làng khác cũng đang tất tả chuẩn bị cho ngày hội văn nghệ ấy.

Rồi sau những điệu múa, khúc nhạc, họ lại dành cho mình một giấc ngủ sâu để khi ngày mai thức dậy, họ tràn đầy năng lượng cho một ngày mới - một ngày bận bịu với mùa vụ nhổ mỳ, vụ chặt bời lời. Ngày đó, nụ cười lại nở trên nương như những đóa hoa rừng khoe sắc đón mùa xuân về trên mảnh đất Hà Tây nắng gió.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm