Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Xuân về gợi nhớ nàng thơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong những ngày đông giá lạnh, có lẽ mọi người ai cũng đều ngóng trông chút nắng vàng sưởi ấm. Và khi xuân về, lòng người hân hoan gợi nhớ nàng thơ.

Lòng tôi lại ngân lên những câu thơ đã thuộc từ lâu trong bài “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử: “Trong làn nắng ửng: khói mơ tan/Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng/Sột soạt gió trêu tà áo biếc/Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang”.

Ảnh minh họa

Và, trong cái nắng xuân ấm áp ấy, tôi còn tìm thấy một bức tranh xuân khác với làn mưa bụi như chút tơ trời gợi lên bao tâm tư trước thiên nhiên kỳ vĩ. Lại nhớ, trong bài thơ “Trại đầu xuân độ” của Ức Trai tiên sinh-Nguyễn Trãi có viết: “Độ đầu xuân thảo lục như yên/Xuân vũ thiêm lai thủy phách thiên” (Cỏ xuân đầu bến xanh như khói/Thêm đợt mưa xuân nước vỗ trời, Ngô Linh Ngọc dịch). Các nhà phân tích thơ chữ Hán cho rằng: Cái nhìn mưa xuân xứ Bắc của Nguyễn Trãi đã lột tả được vẻ đẹp của bức tranh xuân đầy lãng mạn và sắc sảo. Do đó, có người dịch “thủy phách thiên” là “nước vỗ lưng trời”…

Mưa phùn xứ Bắc là “đặc sản” của mùa xuân nơi đất ấm tình người đã đi vào thi ca một cách tự nhiên, đầy sắc màu. Trong một bài tứ tuyệt khác từ Ức Trai thi tập-“Mộ xuân tức sự”, tác giả cũng đã nhắc đến mưa xuân cuối mùa: “Nhàn trung tận nhật bế như trai/Môn ngoại toàn vô tục khách lai/Đỗ Vũ thanh trung xuân hướng lão/Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai” (Trọn ngày thong thả khép phòng văn/Khách tục bên ngoài chẳng bén chân/Khắc khoải quyên kêu xuân đã muộn/Hoa xoan mưa nhẹ nở đầy sân; bản dịch của nhóm Đào Duy Anh).

Nhắc đến mưa xuân và hoa xoan ở vùng quê xứ Bắc, người ta lại nghĩ đến một thi sĩ của làng quê, đó là Nguyễn Bính. Hình ảnh làng quê trong thơ Nguyễn Bính đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc bao thế hệ: “Hoa chanh nở giữa vườn chanh/Thầy u mình với chúng mình chân quê”. Nhắc đến “Mưa xuân”, ai cũng nghĩ đến câu chuyện tình của cô thôn nữ trắng trong, thật thà xứ Bắc: “Em là con gái trong khung cửi/Dệt lụa quanh năm với mẹ già” mà thầm tiếc nuối cho cuộc hò hẹn “Để cả mùa xuân cũng lỡ làng” năm ấy. Khung cảnh điển hình của mùa xuân đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên đằm thắm, trữ tình: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ/Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”…

Miền Trung quê tôi ít có khái niệm “mưa phùn, gió bấc” mà chỉ có ở những vùng đất với 4 mùa xuân-hạ-thu-đông rõ rệt. Mưa phùn, đặc trưng thời tiết của mùa xuân, là kiểu mưa nhỏ hạt, còn gọi là mưa bụi như một làn sương, chưa đủ làm ướt áo, khác với mưa rào, mưa đá… kèm với chút se se lạnh thích hợp để mọi người du xuân.

Những đợt mưa phùn khiến cho cây cỏ, hoa lá nảy mầm, sinh sôi tạo nên khung cảnh mùa xuân tuyệt mỹ mà đại thi hào Nguyễn Du đã từng cảm hứng: “Cỏ non xanh tận chân trời/Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”. Tuy mưa xuân ở miền Trung có khác với mưa phùn miền Bắc nhưng với kiểu mưa rây hạt cùng cái lạnh đầu mùa, đất trời còn ẩm ướt, đủ để mọi người cảm nhận được sự đổi thay của vạn vật, sức sống tươi mới, ấm áp cũng đang bắt đầu trỗi dậy.

Ở Tây Nguyên với khí hậu đặc thù chỉ 2 mùa-mùa khô và mùa mưa, mọi người đều ít biết đến mưa phùn khi mỗi độ Tết đến, xuân về. Nhưng những người con xứ Bắc trên quê hương thứ 2 vẫn không thể nào quên khí sắc nơi cố hương khi mùa xuân đơm hoa trước ngõ cùng với cơn mưa phùn lất phất khiến lòng người xao động. Vậy nên, bạn tôi mới có thơ rằng: “Ngược về xứ Bắc nhớ thương/Mưa phùn thấm ướt con đường làng quê/Cỏ non xanh mướt lời thề/Ngày đi ước hẹn con đê cuối làng/Lần khân năm tháng mơ màng/Bụi mờ nét cũ tình chan chứa tình”.

Có thể bạn quan tâm