Báo xuân

Xuân về nơi biên ải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày Xuân, như một “mệnh lệnh không lời”, chúng tôi ngược lên biên giới Đức Cơ để cảm nhận rõ ràng hơn về thời khắc đất trời giao mùa. Nơi đây, những người lính Biên phòng ngày đêm chắc tay súng giữ vững biên cương và bám làng đan “phên giậu lòng dân”.

“Đường tuần tra anh qua”

 

Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Nan trên đường tuần tra. Ảnh: Đức Thụy

Băng qua những cánh rừng đang mùa thay lá, qua những chặng đường gập ghềnh dốc đá, chúng tôi có mặt tại Đồn Biên phòng Ia Nan (huyện Đức Cơ) trong nắng sớm ban mai. Một mùa Xuân nữa sắp về và cũng như mọi khi, những người lính Biên phòng Ia Nan vẫn đêm ngày miệt mài bám làng, bám biên giới bảo vệ từng tấc đất quê hương. Theo Thượng úy Trần Hoàng Trang-Đội trưởng Vũ trang, thời điểm cuối năm, tình hình an ninh diễn biến phức tạp, các loại tội phạm thường lợi dụng để hoạt động. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần cảnh giác, tăng cường tuần tra, canh gác, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động vi phạm về quy chế biên giới; buôn lậu thuốc lá, pháo nổ, gỗ; buôn bán, vận chuyển ma túy…

Vượt qua những đoạn suối sâu, dốc cao trên các cung đường tuần tra, từ thác ông Đồng, cho đến dốc đá, suối đá, cầu Kama… chúng tôi càng thêm khâm phục ý chí, tinh thần và cả sự hy sinh của các anh. Ở nơi đây, mọi nỗi niềm riêng đều được gác lại cho một mục tiêu lớn lao hơn, đó là sự bình yên cho những mùa Xuân. Tạm dừng chân bên ghềnh đá theo lời đề nghị của những người đồng hành “bất đắc dĩ” là chúng tôi, Thượng úy Trần Hoàng Trang nói: “Chắc các anh, chị bị cảnh đẹp nơi đây mê hoặc rồi”. Thật vậy, bức tranh thiên nhiên đẹp đến nao lòng: rừng cỏ lau xào xạc trong nắng Xuân, bao quanh một ghềnh đá và phía dưới thung sâu là dòng thác đêm ngày reo vui… Giữa mênh mông núi rừng, chúng tôi nghe rất rõ hơi thở mùa Xuân đang đến thật gần! Thượng úy Trần Hoàng Trang “đánh thức” chúng tôi bằng một lời cảm thán: “Thời điểm giao mùa luôn cho ta nhiều cảm xúc!”.

Đan “phên giậu lòng dân”

 

Phút giải lao. Ảnh: P.D

Rời Đồn Biên phòng Ia Nan trong cái se lạnh của buổi sáng miền biên viễn, chúng tôi ghé thăm xã biên giới đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của khu vực Tây Nguyên. Ở nơi đây, ngoài mùa Xuân của đất trời còn hiện hữu một mùa Xuân khác, Xuân của lòng người. Chợt nhớ lại lời Chủ tịch UBND xã Ia Dom-Ngô Hữu Thiện khi xã “cán đích” nông thôn mới: Đây là kỳ tích! Và kỳ tích ấy được viết lên bởi sự đồng thuận giữa ý Đảng, lòng dân và công lính.

Sở dĩ, chúng tôi nhấn mạnh đến công lính, bởi đóng góp của những người lính Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh trong việc lựa chọn và “vẽ” nên những gam màu nông thôn mới là không hề nhỏ. Họ đã làm rất tốt những việc mà không phải người lính nào cũng có thể làm, đó là cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống… Đặc biệt, họ còn là những “ông bố nuôi” của nhiều em học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thông qua mô hình “Bếp ăn tình thương” và chương trình “Nâng bước em tới trường”.

Dẫn chúng tôi đến thăm gia đình ông Ksor Kênh (thôn Mook Đen 1), Trung úy Đỗ Quang Cường-Đội trưởng Đội Công tác vận động quần chúng cho biết: “Đây là một trong 6 ngôi nhà “Đại đoàn kết” do cán bộ, chiến sĩ Biên phòng xây tặng cho người dân nghèo”. Thấy cán bộ Biên phòng ghé thăm, ông Ksor Kênh phấn khởi khoe hàng chục bao lúa lớn nhỏ đang chất ngay giữa nhà. “Nhờ có Bộ đội Biên phòng, mình có nhà mới để ở; mình còn được hướng dẫn cách trồng lúa, trồng mì nên năm nay gia đình mình mới thu được nhiều lúa”-ông Kênh vui vẻ.

Không dừng lại ở việc chung sức cùng chính quyền địa phương xóa hàng chục ngôi nhà dột nát, những người lính quân hàm xanh còn viết nhiều câu chuyện cảm động về tình quân-dân. Dường như nơi đâu chúng tôi cũng thấy dấu ấn người lính, từ con đường làng, ngôi nhà “Đại đoàn kết”, giọt nước, cho đến những vườn hồ tiêu, ruộng lúa và cả trên hành trình giúp các em nhỏ đến trường… Ông Đoàn Trọng Vinh-người dân làng Mook Trang, cho hay: “Để người dân thay đổi thói quen, thay đổi nhận thức là việc làm không hề dễ. Song nhờ tích cực bám làng, bám dân, không nề hà việc khó, việc khổ… những người lính Biên phòng đã làm được nhiều việc thiết thực cho dân. Nhiều tuyến đường ra nương rẫy, ra lô cao su đã được kiên cố hóa; người dân cũng nâng cao ý thức trong giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm; người dân đã biết làm hàng rào, biết đào hố rác sau nhà, biết trồng rau xanh…”. Đặc biệt, nơi xã biên giới ngày càng xuất hiện nhiều hộ có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, như: Rơ Châm Tích, Rơ Lan Dút…

Phên giậu biên cương với người lính quân hàm xanh đâu chỉ có đường biên, cột mốc, rừng cây, con suối… mà còn có “phên giậu lòng dân”.

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm