Thời sự - Bình luận

Xuất khẩu vào khu vực CPTPP: Nhiều cơ hội, lắm thách thức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Hiệp định CPTPP-Cơ hội và thách thức tác động đến hoạt động xuất khẩu Việt Nam” do Báo Công Thương tổ chức ngày 28-7, ông Trần Thanh Hải-Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Các hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã đóng góp tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, CPTPP đã tạo ra xung lực rất lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu. 

Cụ thể, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 680 tỷ USD, mức tăng trưởng đạt 19%, là mức tăng trưởng rất ấn tượng trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế thế giới.

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, ngoài việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, doanh nghiệp cần chủ động kết nối và giới thiệu sản phẩm của Việt Nam ra thị trường nước ngoài thay vì chờ đợi họ tìm đến tiếp cận như trước kia.

 Các sản phẩm cao su có thể xuất khẩu vào khu vực CPTPP. Ảnh: Đức Thụy
Các sản phẩm cao su có thể xuất khẩu vào khu vực CPTPP. Ảnh: Đức Thụy


Trong khi đó, bà Võ Hồng Anh-Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương)-thông tin: Năm 2021, xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ đạt 113,6 tỷ USD, tăng 26,7%; nhập khẩu 24,9 tỷ USD, tăng 14,1%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 138,4 tỷ USD, tăng 24,2%. Đây là khu vực thị trường Việt Nam xuất siêu lớn với giá trị xuất siêu khoảng 88,7 tỷ USD. Tuy nhiên, trong tổng giá trị xuất khẩu, đóng góp của khu vực FDI là tương đối lớn. Tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu của khu vực công nghiệp nội địa Việt Nam sang thị trường châu Mỹ còn hạn chế. Đa số sản phẩm mới chỉ dừng ở gia công lắp ráp cho nước ngoài, giá trị gia tăng chưa cao. Khu vực công nghiệp nội địa đóng góp chủ yếu vào giá trị xuất khẩu với các sản phẩm nhựa, cao su, sắt thép, nhôm, hóa chất, gốm sứ với tỷ trọng khoảng 11%. Bên cạnh đó, hàm lượng chế biến chủ yếu là sản phẩm thô hoặc đông lạnh dẫn tới giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của sản phẩm.

Theo bà Võ Hồng Anh, xét về nhu cầu thị trường, các nước châu Mỹ, đặc biệt là các nước thành viên CPTPP có nhu cầu tiêu thụ lớn đối với các mặt hàng như: dệt may, da giày, đồ gỗ và nông-thủy sản. Sau khi CPTPP có hiệu lực và hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này sang khối CPTPP tăng trưởng ấn tượng. Điều này đã khẳng định nhu cầu và dư địa thị trường hấp dẫn cho hàng xuất khẩu trong nước. Bên cạnh đó, những thị trường này cũng còn có nhu cầu lớn đối với các mặt hàng mới mà doanh nghiệp Việt có thể khai thác như: dây cáp điện và các thiết bị điện nhỏ; sản phẩm cao su, sản phẩm nhựa gia dụng, túi nhựa và đồ chơi; sản phẩm giấy và cát tông; trang sức; cửa nhôm nhựa và cửa sổ cuốn; dược mỹ phẩm hữu cơ và dầu thơm…

Tại Gia Lai, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho hay: Thời gian gần đây, tình hình xuất khẩu của tỉnh có nhiều tín hiệu rất khả quan. Toàn tỉnh có hơn 30 doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có 3 đơn vị uy tín được Bộ Công thương bình chọn năm 2020 gồm: Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang và Công ty cổ phần Chè Biển Hồ. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh là cà phê, cao su, mì lát, trái cây, hồ tiêu, sản phẩm gỗ… Các sản phẩm này đã có mặt tại hơn 40 quốc gia. Trong đó, thị trường châu Âu chiếm khoảng 40%, thị trường châu Á chiếm khoảng 30%... Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bắt đầu liên kết với các hiệp hội ngành hàng để quảng bá, giới thiệu các mặt hàng xuất khẩu ra các thị trường lớn.

Theo thông tin từ Sở Công thương Gia Lai, trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 420 triệu USD, tăng 33,33% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân thúc đẩy xuất khẩu tăng mạnh được nhận định là nhờ việc mở cửa thị trường trong điều kiện bình thường mới ở trong nước cũng như các quốc gia khu vực châu Âu, châu Á... tạo thuận lợi cho giao thương đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực như: EVFTA, CPTPP đã tạo cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận và mở rộng thị trường với lợi thế cạnh tranh từ thuế nhập khẩu.

Tuy đạt mức tăng trưởng khá ấn tượng, song xuất khẩu của Gia Lai tập trung chủ yếu vào khu vực châu Á và châu Âu. Trong khi đó, một số nước thuộc khu vực CPTPP như: Canada, Chile, Mexico, Peru… vẫn còn bỏ ngỏ. Điều đó cũng đồng nghĩa với dư địa xuất khẩu sang khu vực này vẫn còn nhiều nếu các doanh nghiệp Gia Lai có bước đi cơ bản, vững chắc.

Để từng bước thâm nhập vào thị trường các nước CPTPP và tận dụng các ưu đãi do hiệp định này mang lại, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp phải có quá trình sản xuất, mua nguyên liệu, canh tác… theo tiêu chuẩn cũng như đòi hỏi doanh nghiệp cần tập hợp các hồ sơ chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, chỉ dẫn hàng hóa... Bên cạnh đó, hạn chế hiện nay chính là thông tin về CPTPP, để đạt ưu đãi thuế quan… còn khá thiếu vắng với doanh nghiệp. Điều này do cách thức cung cấp thông tin từ phía cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp chưa chủ động để tiếp cận nội dung về hiệp định.

Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, 4 nước thành viên CPTPP khu vực châu Mỹ đều là các nền kinh tế có độ mở cao với mạng lưới FTA rộng khắp. Với mạng lưới FTA rộng rãi, Việt Nam nói chung, Gia Lai nói riêng có thể tận dụng những mối liên kết này để tiếp cận các thị trường mà 4 nước này có quan hệ FTA.

 

ĐỨC AN
 

 

Có thể bạn quan tâm