Xứng đáng là trung tâm khối đại đoàn kết toàn dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhân kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18-11-1930 – 18-11-2015, nay là Ủy ban MTTQ Việt Nam), P.V Báo Gia Lai có cuộc trao đổi với ông HỒ VĂN ĐIỀM-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh.

 

* P.V: Xin ông cho biết ý nghĩa việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam?

- Ông HỒ VĂN ĐIỀM: Nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ngành về truyền thống vẻ vang của MTTQ qua các thời kỳ cách mạng và trong giai đoạn hiện nay, Luật MTTQ Việt Nam đã khẳng định ngày 18-11 hàng năm là Ngày truyền thống của MTTQ Việt Nam và là Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhằm hướng các hoạt động về cơ sở, những năm qua, việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư” tại tỉnh ta đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư triển khai sớm, có nhiều sáng tạo, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Ngày hội gồm 2 phần phần lễ và hội. Tùy vào điều kiện mỗi nơi, có thể tổ chức những hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, giao lưu ẩm thực… Đây là dịp để khu dân cư ôn lại truyền thống MTTQ Việt Nam, nhìn lại và đánh giá kết quả thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong năm qua, biểu dương khen thưởng những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Đồng thời tổ chức ký kết giao ước thi đua xây dựng khu dân cư văn hóa năm tiếp theo, góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh...

Đặc biệt, năm 2015, việc tổ chức ngày hội này diễn ra vào thời điểm chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chọn tổ chức điểm tại 17 khu dân cư thuộc 17 huyện, thị xã, thành phố. Sau đó những khu dân cư còn lại sẽ tổ chức ngày hội trên diện rộng...

 

Trao đổi kinh nghiệm tuyên truyền vận động quần chúng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Thanh Nhật

* P.V: Nhân dịp này, ông có thể điểm lại những thành quả tiêu biểu trong công tác MTTQ tỉnh ta thời gian qua?

- Ông HỒ VĂN ĐIỀM:  Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh ta đã phối hợp với các tổ chức thành viên cùng các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương và nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước. Đồng thời qua đó, nâng cao tinh thần cảnh giác với âm mưu của các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Mặt trận Tổ quốc đã triển khai hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, toàn tỉnh hiện có 1.412 khu dân cư văn hóa và 222.302 gia đình văn hóa. Từ năm 2000 đến nay, Quỹ “Vì người nghèo” huy động được gần 53 tỷ đồng, góp phần giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Ban vận động “Ngày vì người nghèo” tỉnh đã phân bổ nguồn quỹ này để hỗ trợ xây mới 2.880 nhà “Đại đoàn kết” và sửa chữa 1.014 căn nhà, giúp phát triển sản xuất, tặng  học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, hỗ trợ khám-chữa bệnh, thăm hỏi tặng quà nhân dịp lễ, Tết, mua 1.600 con bò và dê sinh sản hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất… Bên cạnh đó, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phát động và triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, qua 4 năm triển khai thực hiện đã giúp 4.381 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo.

 

 Ảnh: Thanh Nhật

* P.V: Như vậy thời gian tới, công tác MTTQ tỉnh ta cần tập trung những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?

- Ông HỒ VĂN ĐIỀM: Để tiếp tục xứng đáng với niềm tin tưởng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp trong tỉnh cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng nhân dân, tập trung hướng mạnh mọi hoạt động về cơ sở và khu dân cư. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh Dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn; thường xuyên đối thoại, tiếp xúc, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đánh của nhân dân.

Đồng thời, thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng cốt cán, người uy tín, tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong các chức sắc tôn giáo, nhân sĩ trí thức, góp phần tuyên truyền vận động quần chúng, làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh. Triển khai, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Thực hiện hiệu quả vai trò giám sát và phản biện xã hội, có cơ chế để nhân dân bày tỏ ý kiến, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa MTTQ với HĐND-UBND và các cơ quan nhà nước theo quy chế phối hợp; tăng cường công tác phối hợp với các tổ chức thành viên, tạo sức mạnh chung trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Bên cạnh đó, tích cực thực hiện có hiệu quả chương trình ký kết giữa Ủy ban MTTQ tỉnh và Mặt trận Đoàn kết Phát triển tỉnh Ratanakiri-Campuchia nhằm góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

* P.V: Xin cảm ơn ông.

Thanh Nhật (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm