Ý nghĩa nhân văn sâu sắc của công tác bảo quản và trao trả "Hồ sơ cán bộ đi B"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 135 là số lượng hồ sơ cán bộ đi B còn lại mà Chi cục Văn thư-Lưu trữ tỉnh Gia Lai cần trao trả cho cán bộ hoặc thân nhân cán bộ đi B tại tỉnh Gia Lai. Được biết trong tổng số 211 hồ sơ mà Chi cục đã tiếp nhận từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Chi cục đã bàn giao 76 hồ sơ về các địa phương trong tỉnh để tiến hành trao trả...

Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về lập lại hòa bình ở Đông Dương, đã đưa ra tuyên bố về những giải pháp cho vấn đề chính trị ở Việt Nam. Một trong những điều khoản của Hiệp định này là sông Bến Hải với Vĩ tuyến 17 trở thành giới tuyến quân sự tạm thời chia cách đất nước Việt Nam thành hai miền: Chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tập kết ra miền Bắc, Chính quyền và quân đội khối Liên hiệp Pháp tập trung về miền Nam. Từ sự kiện này, sự nghiệp đấu tranh vì thống nhất đất nước chuyển sang một giai đoạn mới. Từng đoàn cán bộ, học sinh ưu tú miền Nam đã tập kết ra Bắc học tập, lao động để sau này trở về xây dựng quê hương.

 

Hồ sơ của cán bộ đi B. Ảnh: T.N

Đồng thời do yêu cầu của cách mạng, từ năm 1959 đến 1975, nhiều cán bộ từ miền Bắc đã được bí mật trở vào Nam công tác, chiến đấu để tăng cường chi viện cho chiến trường miền Nam. Trước khi vào Nam, họ đã gửi lại hồ sơ, tư trang, hành lý, tài sản cá nhân và kỷ vật cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ quản lý. Những hồ sơ, kỷ vật ấy được đặt tên là “Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B”.

Nhiều cán bộ đi B đã hy sinh hoặc từ trần thì chính những bộ hồ sơ và kỷ vật ấy càng có ý nghĩa, giá trị. Đó là minh chứng về một giai đoạn hào hùng của dân tộc, gắn liền với số phận người đã không tiếc máu xương, hy sinh vì nghĩa lớn. Rất nhiều cán bộ đi B và thân nhân không hề biết rằng tài liệu, giấy tờ, kỷ vật người thân của họ vẫn đang còn được lưu giữ. Những bộ hồ sơ và kỷ vật ấy đã lưu lại thông tin cá nhân và quá trình phấn đấu của họ trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề, đồng thời còn là một nguồn tài liệu độc đáo và đa dạng, nguồn sử liệu vô giá, cho thấy tinh thần yêu nước và dân tộc, tinh thần cách mạng sáng ngời của các thế hệ cán bộ đi B, đã góp phần to lớn cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất  đất nước...

Giải thích thêm với chúng tôi một số vấn đề liên quan về hồ sơ cán bộ đi B, ông Hồ Văn Trình-Chi Cục trưởng Chi Cục Văn thư-Lưu trữ tỉnh (thuộc Sở Nội vụ) cho biết: “Vì yêu cầu của cuộc cách mạng lúc bấy giờ, nên tất cả cán bộ được Đảng và Nhà nước chọn đều phải đi theo con đường bí mật. Đa số họ là cán bộ chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc từ năm 1954 sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đã có thời gian sống, học tập, lao động tại miền Bắc và những sinh viên, cán bộ miền Bắc theo yêu cầu cách mạng vào Nam công tác bằng con đường dân sự. Sau ngày thống nhất đất nước, toàn bộ hồ sơ tài liệu và kỷ vật những người đi B được chuyển về Ban Tổ chức Trung ương và tiếp tục chuyển giao cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I quản lý, sau đó lại được chuyển giao lần nữa cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III sau khi Trung tâm này được thành lập vào năm 1995”.

Được biết, đây là một trong 4 Trung tâm Lưu trữ quốc gia trực thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước hiện nay-có chức năng thu thập, bổ sung, bảo quản an toàn và tổ chức sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ có ý nghĩa toàn quốc từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, trong đó có khối hồ sơ và kỷ vật của các cán bộ đi B. Thực hiện Chỉ thị 05/2007/CT-TTg ngày 2-3-2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ, góp phần thiết thực vào việc thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa và đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã tiến hành sắp xếp, chỉnh lý khoa học khối tài liệu này. Trung tâm đã tổ chức khai thác khối tài liệu vô giá ấy thông qua năm hình thức gồm: Phục vụ khai thác tại Trung tâm, các cuộc triển lãm trưng bày, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, trao tặng Danh mục Hồ sơ và kỷ vật của cán bộ đi B và cơ sở dữ liệu, cùng Chương trình sao, chuyển hồ sơ và kỷ vật của cán bộ đi B về cho Chi Cục Văn thư-Lưu trữ các tỉnh thành trong cả nước để tiến hành trao trả...

 

Bộ phận quản lý hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B tại Kho lưu trữ lịch sử tỉnh. Ảnh: T.N

Chi Cục trưởng Chi Cục Văn thư-Lưu trữ tỉnh Hồ Văn Trình cho biết  thêm: “Hiện nay rất nhiều cán bộ đi B từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, nhưng khi nghỉ  hưu về địa phương đã không có điều kiện tìm lại hồ sơ giấy tờ của mình. Một số lớn trong họ đã hy sinh trong chiến tranh, hoặc đã mất sau hòa bình và thân nhân của họ cũng chưa thể tìm lại hồ sơ tài liệu của người thân để làm kỷ niệm, hoặc làm các thủ tục hành chính để hưởng chế độ, chính sách... Nhằm góp phần phát huy hơn nữa giá trị của tài liệu lưu trữ hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B, thời gian qua, Chi Cục Văn thư-Lưu trữ tỉnh Gia Lai đã tiếp nhận 211 bộ hồ sơ cán bộ đi B từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Đến nay, Chi cục đã tiến hành chỉnh lý, xác minh địa giới hành chính và bàn giao được 76 hồ sơ về các huyện để trao trả cho cán bộ hoặc thân nhân của cán bộ đi B trong tỉnh”.

Đến tìm hiểu thực tế về hồ sơ cán bộ đi B tại Kho lưu trữ lịch sử tỉnh (thuộc Chi Cục Văn  thư-Lưu trữ của Sở Nội vụ), được biết, do yêu cầu bí mật công tác, nên nhiều cán bộ đi B lúc bấy giờ phải dùng bí danh. Nhiều trường hợp ngay cả cơ quan chủ quản cũng không thể biết họ đi đâu, chỉ biết là có quyết định điều động công tác. Nhiều cán bộ còn thay đổi cả họ tên và quê quán hoàn toàn khác so với hồ sơ ban đầu để giữ bí mật. Thêm vào đó, địa danh, địa giới hiện nay thay đổi rất nhiều so với trước đây. Cán bộ, thân nhân của cán bộ đi B trước kia ở Gia Lai nhưng nay lại sinh sống ở tỉnh thành khác… Vì vậy, việc chỉnh lý trước đây, cũng như việc xác định thông tin liên quan, để làm thủ tục trao trả hồ sơ hiện nay gặp không ít trở ngại và mất nhiều thời gian...

Bà Trịnh Thị Thu Hương-Cán bộ trực tiếp phụ trách quản lý về hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B khẳng định: “Chúng tôi đang nỗ lực tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan để xác minh địa chỉ cán bộ, thân nhân cán bộ đi B hiện đang sinh sống ở các địa phương trong tỉnh. Hy vọng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cán bộ hoặc thân nhân cán bộ đi B có thể chủ động liên hệ với Chi cục Văn thư-Lưu trữ tỉnh Gia Lai: 03 Hai Bà Trưng-TP. Pleiku, hoặc qua số điện thoại 01633344779 để được tư vấn và hỗ trợ, sớm được nhận lại hồ sơ, kỷ vật. Đó cũng là tình cảm của đội ngũ cán bộ ngành lưu trữ chúng tôi, với niềm tin sâu sắc rằng, những hồ sơ và kỷ vật ấy sẽ góp phần mang thêm niềm vinh dự tự hào, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các chính sách đối với những người có công trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, đất nước và dân tộc”.

Thanh Nhật

Có thể bạn quan tâm